Tổ phòng cháy liên gia: Hoạt động tốt sẽ mang lại an toàn cho cộng đồng

Mô hình 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy', 'Điểm chữa cháy công cộng'... mang lại sự an toàn cho người dân.

Tối 6-7, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn hộ thuộc chung cư Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM. Đám cháy thiêu rụi nhiều phương tiện, vật dụng; điều đau xót là 8 người đã thiệt mạng.

Sự cố này tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức PCCC. Trang bị kỹ năng thoát nạn và biết cách xử lý đúng khi xảy ra cháy cũng góp phần quan trọng giúp bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Không chờ đến cháy mới lo

Anh Thành Đạt, chủ một cơ sở gara ô tô trên địa bàn phường Hiệp Bình, TP.HCM, cho biết Công an phường thường xuyên tuyên truyền vận động gia đình cùng các chủ cơ sở thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng”.

Do đó, các gia đình và chủ cơ sở cũng nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC tại các cơ sở (đặc biệt là gia đình vừa sản xuất vừa kinh doanh) nên đã tình nguyện tham gia mô hình này.

Anh Đạt nhớ lại trước đây từng xảy ra sự cố chập điện tại một khu nhà trọ trên địa bàn phường; may nhờ bà con bấm chuông báo cháy kịp thời để xử lý nên không có thiệt hại về người và tài sản.

 Anh Thành Đạt được lực lượng chức năng hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy. Ảnh: THẢO HIỀN

Anh Thành Đạt được lực lượng chức năng hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy. Ảnh: THẢO HIỀN

“Nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và lực lượng công an PCCC, chúng tôi đã tự giác mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ, mở lối thoát nạn thứ 2 phía trên sân thượng, lô gia ban công, trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn PCCC, thoát nạn kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra” - anh Đạt nói.

Cẩn trọng với khí độc trong đám cháy

Khi phát hiện có người bị ngạt khói trong đám cháy, việc sơ cứu cần được tiến hành khẩn trương và đúng cách. Trước hết, phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói, đến nơi thoáng khí và an toàn.

Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập, phải tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện sơ cứu theo chu kỳ 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần sau đó dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân đã tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì tiếp tục thực hiện theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.

Khi thoát hiểm trong môi trường có khói, người dân cần bảo vệ đường hô hấp bằng cách sử dụng khăn ướt hoặc khẩu trang để che mũi và miệng, đồng thời cúi thấp người khi di chuyển để tránh hít phải khói độc.

Ông ĐỖ SƠN, tập huấn viên Trung tâm huấn luyện Sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa TP.HCM

Ông Lê Tấn Diệp, phường Đông Hưng Thuận, TP.HCM, đánh giá cao những lợi ích thiết thực mà mô hình ‘Tổ liên gia an toàn PCCC’, ‘Điểm chữa cháy công cộng’, ‘Nhà tôi có bình chữa cháy’ mang lại cho cuộc sống của người dân.

"Từ khi mô hình này được triển khai, việc phòng chống cháy nổ tại khu dân cư thực sự đạt được hiệu quả; mang lại sự an toàn và bình yên cho cuộc sống của người dân. Trước đây nghe báo cháy thì chỉ biết gọi 114, chứ không ai nghĩ mình sẽ là người trực tiếp xử lý. Bây giờ thì khác, nhà nào cũng có bình chữa cháy, có chuông báo động, có hướng dẫn thoát hiểm cụ thể” - ông Diệp nói.

Điều khiến ông Diệp cảm thấy an tâm hơn chính là sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ phường và công an khu vực.

“Các cán bộ hướng dẫn tận tay cách dùng bình chữa cháy, sơ cứu và thoát nạn khi có cháy. Có buổi còn cho người dân diễn tập ngay tại chỗ. Nhờ vậy, khi có sự cố, ai cũng bình tĩnh xử lý.

Chỉ cần một nhà bấm chuông, cả tổ cùng hỗ trợ. Hàng xóm nhắc nhau nếu thấy nguy cơ mất an toàn. Mô hình này giúp phòng cháy hiệu quả, lại tăng tình làng nghĩa xóm” - ông Diệp nói.

Cách thoát nạn khi cháy chung cư cao tầng

Bộ Công an đã có hướng dẫn, khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau:

 Công an TP.HCM tổ chức Diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và tổ chức thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi tập trung đông người. Ảnh: NGUYỆT NHI

Công an TP.HCM tổ chức Diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn cấp cháy, nổ và tổ chức thoát nạn, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi tập trung đông người. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn. Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu “EXIT” , khi vào buồng thang mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn;

Để thoát nạn an toàn, mọi người chỉ được dùng thang bộ để tránh nguy cơ kẹt thang máy, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.

Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

Trường hợp cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, thì nhanh chóng đóng cửa và ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Nhanh chóng gọi 114 rồi di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn.

Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng chức năng triển khai phía dưới.

Hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy chữa cháy

Luật PCCC, cứu nạn và cứu hộ năm 2024 có nhiều yêu cầu về PCCC từ cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, khu dân cư đến các cấp độ nhỏ hơn như nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, v.v…

Đối với nhà ở, Điều 20 Luật PCCC, cứu nạn và cứu hộ năm 2024 đưa ra một số yêu cầu như: phải lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; phải có phương tiện PCCC phù hợp; bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp bảo đảm việc thoát nạn.

Đối với nhà ở trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (bao gồm nhà chung cư, nhà ở tập thể, nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, v.v… theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 105/2025) thì phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về PCCC đối với cơ sở quy định tại Điều 23 Luật PCCC, trong đó bao gồm (i) ban hành nội quy PCCC, cứu nạn, cứu hộ tùy loại hình; (ii) trang bị phương tiện, hệ thống PCCC, cứu nạn, cứu hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; (iii) lắp thiết bị truyền tin báo cháy kết nối CSDL về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và khai báo, cập nhật dữ liệu đúng lộ trình; (iv) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khoảng cách an toàn, đường, bãi đỗ, giải pháp thoát nạn, bậc chịu lửa, ngăn cháy, chống cháy lan, chống khói, hệ thống điện, phương tiện - hệ thống PCCC theo quy định; (v) xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; (vi) thành lập Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Riêng nhà ở tại thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực chưa bảo đảm đường xe chữa cháy hoặc thiếu nguồn nước phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chủ hộ phải tuân thủ các yêu cầu đối với nhà ở thông thường, đồng thời phải có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn; khu vực sản xuất kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở (Điều 21 Luật PCCC, cứu nạn và cứu hộ năm 2024). Đối với hàng nguy hiểm cháy, nổ, luật cấm bố trí chỗ ngủ trong khu sản xuất và yêu cầu thiết bị phát hiện rò rỉ khí, thông gió tự động.

Tại những khu dân cư còn thiếu đường giao thông hoặc nguồn nước chữa cháy, UBND cấp tỉnh phải xây dựng, trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (khoản 6 Điều 50 Luật PCCC).

Luật sư ĐỖ KHẮC TẤT HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

THẢO HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/to-phong-chay-lien-gia-hoat-dong-tot-se-mang-lai-an-toan-cho-cong-dong-post859126.html