'Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường!'
Trong suốt chiều dài những cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, hàng triệu người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hàng triệu người lính may mắn trở về đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Với họ, chỉ vì một lẽ đơn giản: Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường!
Vượt lên thương tật, phát triển kinh tế
Tại buổi Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu buổi toàn quốc năm 2019, 500 thương binh nặng đều mất sức lao động từ 81% trở lên, thậm chí có 8 thương binh mất 100% khả năng lao động. Tuy nhiên, khi gặp và tiếp xúc với những người mang trên mình vết thương, còn nhiều mảnh đạn găm trong người, bị đau khi trái gió trở trời, phải ngồi trên xe lăn di chuyển nhưng khuôn mặt, ánh mắt họ ánh lên niềm tự hào, xúc động. Buổi gặp mặt chính là điều kiện để 500 thương binh nặng được gặp lại những người đồng đội cũ, cũng như thăm hỏi, giao lưu chia sẻ về cuộc sống đời thường.
Nhiều đại biểu đã rơi nước mắt khi nghe câu chuyện xúc động của thương binh nặng Lê Hữu Trạc, đến từ xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông Trạc chia sẻ về người cha thân yêu bị giặc Pháp giết hại năm 1952, khi mình mới 11 tuổi. Để trả thù cho cha, cũng như quyết tâm giữ vững từng tấc đất quê hương, năm 1962, chàng thanh niên Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ tại đại đội Lê Hồng Phong, tiểu đoàn 4, sư đoàn 341 ở Vĩnh Linh. Ông Trạc tham gia bảo vệ giới tuyến 17, đảo Cồn Cỏ. Trong một lần thực hiện chống âm mưu đổ bộ ra miền Bắc của giặc, người lính Lê Hữu Trạc bị trúng bom, mất đi đôi mắt. Tuy nhiên, với tinh thần ý chí vươn lên của anh Bộ đội Cụ Hồ, khi trở về quê hương, người thương binh mất 81% sức lao động vẫn cùng vợ con làm kinh tế và từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình.
Cũng mang trong mình ý chí và nghị lực phi thường, ông Đinh Hữu Du, sinh 1952 ở Tiền Hải, Thái Bình bị thương năm 1973 trong khi chiến đấu tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trở về quê hương với thương tật 81% nhưng ông Du vẫn cùng vợ con nuôi ong, trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế, mỗi năm thu về 40 - 50 triệu đồng.
Nhiều thương binh khác như ông Dương Văn Bi ở tỉnh Trà Vinh, Hoàng Văn Tuyên (Hà Nam)... đã phát triển kinh tế, xây dựng quê hương...
Tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương
Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình như chùng xuống khi nghe câu chuyện của thương binh Trương Hồng Dân, sinh năm 1948, tại Cần Thơ. Người nhỏ bé nhưng bà đã bắt sống và tiêu diệt được mười mấy tên địch, trong đó có tên đồn trưởng ác ôn đồn Mỹ Điền. Sau khi điều trị vết thương trở về cuộc sống đời thường, bà Dân kết hôn và sinh được hai người con. Cứ ngỡ đã hết đau thương nhưng hai con đều bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học không thể học hành và sinh hoạt cá nhân. Sau 6 năm nằm viện, đưa các con đi bệnh viện nhưng bà Dân vẫn đảm nhiệm chức chi hội trưởng phụ nữ giúp cho nhiều chị em thoát nghèo. “Dù còn những khó khăn, vất vả nhưng bù lại, chính quyền địa phương, phòng LĐTB&XH đã chăm lo nên cuộc sống của gia đình tôi cũng như những người dân bình thường ở nơi cư trú” - bà Dân nở nụ cười tràn đầy năng lượng chia sẻ.
Các đại biểu đã rất xúc động trước tấm gương sáng của thương binh Nguyễn Trung Tín đến từ phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh, suy giảm khả năng lao động 95%. Đã vào sinh ra tử, tham gia rất nhiều chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực và trong chiến dịch Tân Cảnh, Đắc Tô, tỉnh Kon Tum, ông Tín đã bị thương gãy cột sống, vỡ 2 khung xương chậu, vỡ bàng quang. Mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng ông Tín kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật nay là Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh... là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Hay thầy giáo Trần Quang Liệu, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội, là tấm gương rất đáng trân trọng. Chiến tranh khốc liệt đã lấy đi của ông một con mắt, mắt còn lại thị lực rất yếu nhưng ông đã tốt nghiệp đại học khoa Sư phạm Toán, làm giáo viên. Khi về hưu, dù sức khỏe yếu, mắt mờ nhưng ông vẫn truyền con chữ cho trẻ em hàng xóm... Và rất nhiều những tấm gương thương binh nặng khác truyền cảm hứng cho lớp thế hệ trẻ noi theo, tiếp tục sống và làm thật nhiều việc có ích cho đất nước.
Xúc động trước việc làm của các thương binh nặng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là những tấm gương sáng lay động lòng người, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên trong mỗi chúng ta.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/to-quoc-goi-chung-toi-len-duong-348712.html