Tổ quốc linh thiêng

Di tích Chiến khu Rừng Sác (CKRS) - Cần Giờ được biết đến là một trong những 'địa chỉ đỏ' vang vọng linh thiêng Tổ quốc trong lòng bao người con đất Việt.

Nơi đây đã ghi lại dấu ấn về những năm tháng hào hùng, đặc biệt là của những chiến sĩ Đặc công đã bám trụ trong những cánh rừng ngập mặn để tạo nên vùng đệm cho chiến dịch Mùa xuân 1975 thống nhất đất nước.

Tượng đài tại Chiến khu Rừng Sác

Tượng đài tại Chiến khu Rừng Sác

Mải mê, thích thú tìm hiểu kỹ các khu nhà: Cảnh vệ, Chỉ huy, Thông tin, Quân y, bảng danh sách, hình ảnh các chiến sĩ Đặc công tham gia chiến đấu tại Khu căn cứ Rừng Sác, em Nguyễn Thu Bích (SN 2009, ngụ Q.Tân Bình) bộc bạch: "Nói về tinh thần yêu nước, sức chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc thì con được học, đọc nhiều qua sách báo. Lần đầu tiên đến với CKRS, con thật sự ngạc nhiên trước quang cảnh trực quan đầy sinh động, càng vô cùng thán phục trước sức bền bỉ, gan dạ, kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ Biệt động đóng quân nơi rừng sâu. Mặc dù điều kiện sống và chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, nhiều thú dữ, cá sấu... nhưng thế hệ cha, ông vẫn quyết chí bám trụ, chiến đấu và lập nên nhiều thành tích phi thường, góp phần kết thúc chiến tranh vệ quốc, mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước. Khu di tích này có không khí trong lành, thoáng mát, còn hoang sơ tự nhiên nên con rất thích".

Đi chậm, chú ý đọc từng đoạn thuyết minh, ngắm nghía từng hiện vật, bức tượng, đưa máy chụp lại những quang cảnh mình muốn lưu giữ, chú Đặng Nguyễn Quang (SN 1968, quê Quảng Bình) chia sẻ: "Chỉ có thể nói một câu là đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ, các chiến binh dũng cảm đã cống hiến tất cả cho Tổ quốc. Đến với di tích này, cũng như nhiều địa chỉ đỏ cách mạng khác, tôi luôn thấy vọng vang hồn thiêng sông núi. Mỗi lần đi, tôi lại càng thấy yêu Tổ quốc, phải sống xứng đáng là một công dân, có nghĩa vụ đóng góp với quốc gia. CKRS giờ được khai thác thành điểm đến, điểm về nguồn của nhiều người dân, các cơ quan, đơn vị, theo tôi đó là cách giáo dục tinh thần biết ơn, yêu nước một cách trực quan, sinh động nhất".

Đoàn khách nước ngoài tham quan và lắng nghe giới thiệu về di tích Rừng Sác

Đoàn khách nước ngoài tham quan và lắng nghe giới thiệu về di tích Rừng Sác

Được biết, Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Ngày ấy, Rừng Sác được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn - Gia Định về hướng Đông Nam, nơi có con sông Lòng Tàu là "cổ họng" vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Đặc khu Rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn Nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Trung đoàn 10 - Bộ đội Đặc công Rừng Sác có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ - chính quyền Sài Gòn.

Trong 9 năm bám trụ tại khu căn cứ này, cán bộ chiến sĩ đặc công Đoàn 10 đã lập rất nhiều chiến công như phá hủy tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp, 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966 - 1967; phá hủy kho xăng Nhà Bè... Những trận thắng của đặc công Rừng Sác vang dội năm châu, làm thay đổi cục diện cuộc chiến, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975 của quân và dân ta.

Đến tham quan Di tích lịch sử CKRS hôm nay, thế hệ trẻ không chỉ được thưởng ngoạn thiên nhiên hoang sơ mà còn tìm về cội nguồn như một cách nhắc nhớ, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Huệ Trinh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/to-quoc-linh-thieng_177385.html