'Tổ quốc nhìn từ biển…': Một khoảng lặng…
Tất cả những thành tựu giữ vững, phát triển chủ quyền biển đảo ngày hôm nay được làm nên từ sự hy sinh của bao nhiêu thế hệ đi trước. Nếu biết tận dụng thế mạnh, biển đảo sẽ phát triển nhanh về kinh tế, tạo động lực phát triển chung cho cả nước. Vì vậy, giữ gìn và phát triển biển đảo là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay.
Đất Mẹ ra Trường Sa
Trong hải trình lần này, tàu Kiểm ngư KN-490 đã đưa Đoàn công tác Số 6 đến 5 đảo, điểm đảo và khu vực Nhà giàn DK1/Quế Đường, mang theo tình cảm và những món quà ý nghĩa dành tặng những người con anh dũng nơi vùng biển đảo thiêng liêng.
Một trong những hoạt động lớn nhất của Đoàn công tác trong chuyến đi lần này đó là việc thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân khởi công xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông B - một trong những công trình nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập của quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa.
Trong chuyến đi, có những góc nhỏ hơn nhưng khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Đó là hình ảnh người đàn ông lớn tuổi thấp bé, gầy gò lặng lẽ khoác theo túi nặng trĩu mỗi lần lên xuống xuồng thăm đảo. Đặt chân lên mỗi đảo, vẫn khoác chiếc túi nặng, ông đến bắt tay, ôm từng chiến sỹ. Ra đến vườn rau tăng gia trên đảo, ông mới nhẹ nhàng kéo khóa túi lấy những nắm đất đỏ bazan được gói ghém cẩn thận trong những bọc giấy, rồi trao tận tay anh chiến sỹ để rắc lên từng gốc cây.
Tôi tiến đến hỏi, ông giới thiệu tên là Trần Khánh Nam, 67 tuổi, ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Đây là lần thứ 2 ông Nam ra thăm Trường Sa nhưng ông bảo, lần nào cũng đầy cảm xúc và hạnh phúc. “Chúng ta ra Trường Sa để chia sẻ gian nan, gian lao, khổ cực, sóng gió, bão giông của chiến sỹ trên đảo. Lần này, ngoài chia sẻ những điều đó, tôi còn mang niềm tin từ đồng bào trong đất liền đến với các chiến sỹ. Tôi muốn nói với họ rằng, phía sau các anh luôn có một hậu phương vững chắc, lúc nào cũng sẵn sàng chung sức yêu thương các anh!”, ông Nam chia sẻ.
Lần thứ 2 ra thăm Trường Sa, ngoài vật dụng cá nhân gọn nhẹ, ông chỉ mang theo một bịch lớn đất đỏ bazan. Lần đầu tới Trường Sa, ông Nam nghĩ sẽ phải mang được san hô, trái bàng vuông trên đảo về làm kỷ niệm. “Nhưng khi chuẩn bị nhặt san hô bỏ vào túi tôi mới sực nhớ: Chúng ta đang góp công, của để xây Trường Sa, tại sao lại mang san hô về. Nếu những đoàn khác, từ năm này đến tháng khác, ai ai lên thăm đảo cũng lấy san hô thì sẽ thế nào. Nhiều người trong đất liền cũng mong ước được thấy, được sở hữu trái bàng vuông ở Trường Sa thì liệu trên đảo có giữ được màu xanh… Ra đảo vặt trái bàng vuông mang về thì quả là xót xa! Bởi có đi mới thấy, giữa thời tiết khắc nghiệt, cây xanh trên đảo quý vô cùng”, ông Nam cảm thán.
Có thể nhiều người không hiểu hành động này nhưng ông Nam nói rằng, sau lần đầu ra đảo thấy đất được dùng để trồng cây, rau xanh toàn là cây san hô đen xỉn, không có đất thịt. Vì thế, lần này ông nung nấu quyết tâm mang đất thịt từ đất liền ra đảo. Ngay cả loại đất mang ra lấy ở đâu, ông phải suy nghĩ, đắn đo. Rồi cuối cùng ông quyết định lấy đất đỏ bazan từ cao nguyên Di Linh, nơi ông sống 50 năm qua.
Khúc tráng ca tri ân
Khi tàu Kiểm ngư KN-490 đi qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma ngày 14/3/1988 được tổ chức trang nghiêm, xúc động. Biển lặng sóng. Trong ráng nắng chiều, những bông cúc và hạc giấy trôi trên biển mang theo sự cảm phục, lòng biết ơn của tất cả thành viên đoàn công tác với những người đã khuất. Đứng cạnh tôi trong khoảnh sân trên boong tàu, nhạc sĩ Trần Khánh Nam nói rằng, hình ảnh thả vòng hoa xuống biển lặng là những giây phút trang trọng, đầy cảm xúc. Đây là hành trình về thăm các anh hùng liệt sỹ, để biết những gian lao vất vả của những người lính đảo đang vững tay súng bảo vệ chủ quyền, bình yên vùng trời, vùng biển Tổ quốc.
Tối hôm đó, trong cuộc giao lưu của Đoàn công tác Số 6, chúng tôi mới biết, nhạc sĩ Trần Khánh Nam là tác giả ca khúc “Hoa Sóng ngàn năm”. Ca khúc với những dòng tưởng niệm những liệt sỹ Hải quân đầy bi tráng, xúc động: “Biển tự nhiên lặng gió/ Vòng hoa thả xuống Biển Đông/ Bềnh bồng mãi trên con sóng nhỏ/ Dù bão tố phong ba/ Hoa bàng luôn nở về đêm như tâm hồn người lính đảo/ Như hóa thành ngàn hoa sóng, hoa sóng nở cùng biển xanh…”. Giai điệu da diết, khắc khoải trong ca khúc như cứa vào lòng người nghe. Hình ảnh của biển cả lặng yên như thấu tỏ, chứng giám nỗi lòng những người còn sống đang thả những vòng hoa tưởng niệm anh linh những người lính biển đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Biển đã lặng gió nhưng lòng người lại rộn lên những thổn thức.
“Biển tự nhiên lặng gió” - câu văn trong một bài bút ký của nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy viết về những người lính giữ đảo mà nhạc sĩ Trần Khánh Nam tình cờ bắt gặp trên trang Văn nghệ Quân đội là mạch nguồn giúp người nhạc sĩ viết nên khúc ca tưởng niệm bi tráng này. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc Việt Nam ở Huế trước năm 1975. Sau đó, ông vào Lâm Đồng làm công tác tuyển sinh cho trường này. Nhưng sau khi đất nước thống nhất ông học thêm lớp đo đạc và làm công tác đo đạc đất đai. Quãng thời gian đó ông từng đi qua những quả đồi bỏ hoang sau chiến tranh, gặp những thân nhân liệt sỹ. “Tôi nghĩ rằng, khi đất nước có chiến tranh thì thiệt thòi lớn lao nhất là những người lính, những người mẹ, những người vợ, người thân nên tôi cứ đau đáu đề tài đó. Và tôi sáng tác bài hát vừa để tri ân liệt sỹ hải quân, vừa chia sẻ những mất mát của người thân họ”, nhạc sĩ Nam cho hay.
Đứng cạnh tôi trong khoảnh sân trên boong tàu, nhạc sĩ Trần Khánh Nam nói rằng, hình ảnh thả vòng hoa xuống biển lặng là những giây phút trang trọng, đầy cảm xúc. Đây là hành trình về thăm các anh hùng liệt sỹ, để biết những gian lao vất vả của những người lính đảo đang vững tay súng bảo vệ chủ quyền, bình yên vùng trời, vùng biển Tổ quốc.
Tất cả những thành tựu phát triển, giữ vững chủ quyền biển đảo ngày hôm nay, từ đất liền, biển đảo quê hương là công lao bồi đắp sự hy sinh của bao thế hệ đi trước. Đặc biệt, những chiến sỹ hi sinh trên tàu không số, chiến sỹ hy sinh ở Gạc Ma và còn nhiều chiến sỹ đang ngày ngày vượt qua giông bão giữ vững bình yên, chủ quyền biển đảo Việt Nam ta. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam tiếp mạch cảm xúc: “Tháng 4/2020, tôi quyết định gửi tác phẩm mà tôi ấp ủ cho nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và gửi Quân chủng Hải Quân và may mắn được duyệt đăng. Sau đó, ca sỹ Long Nhật đã làm một MV về Biển đảo Việt Nam trên quần đảo Trường Sa trong đó có ca khúc “Hoa sóng ngàn năm”. Từ đó, ca khúc được phổ biến rộng rãi”, nhạc sĩ Khánh Nam cho hay.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/to-quoc-nhin-tu-bien-mot-khoang-lang-post1539058.tpo