Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 4
Trong chuyến công tác tại các đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã có rất nhiều phóng sự ảnh miêu tả sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân nơi các tiền đồn của Tổ quốc. Đặc biệt, trong phóng sự ảnh 'Tiếng Sơn Ca giữa trùng khơi' đăng trên Bình Phước online ngày 14-1-2020 đã giúp bạn đọc trong và ngoài tỉnh cảm nhận được sự bình yên của hòn đảo nhỏ này trước phong ba bão tố. Tuy vậy, ở đảo Sơn Ca vẫn có nhiều điều thú vị...
CHUYỆN Ở SƠN CA
Về vị trí địa lý, đảo Sơn Ca nằm trong tâm thế luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giữ vững ngư trường cho ngư dân ra khơi bám biển. Bởi cách Sơn Ca 7 hải lý về hướng Tây là đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép, cách 39 hải lý theo hướng Tây Bắc là đảo Xu Bi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ngoài ra, gần đảo có 2 bãi cạn đang tiềm ẩn nguy cơ bị các nước ngoài nhòm ngó. Tuy nhiên, song hành với nhiệm vụ bảo vệ, ngăn chặn các nguy cơ..., cán bộ, chiến sĩ các thế hệ ở Sơn Ca đã khắc phục mọi khó khăn để xây dựng đảo thành một lũy thép và cuộc sống thanh bình với những dấu ấn riêng.
Hồn dân tộc giữa trùng khơi
Sơn Ca là điểm đến thứ 3 trong nhóm đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa của đoàn chúng tôi. Trong quá trình di chuyển, ai cũng nghĩ đảo nhỏ này rất khó khăn, vất vả nên đặt tên cho một loại chim để xua tan nỗi nhớ đất liền và khát khao về bình yên trên biển cả. Tuy nhiên, khi đặt chân lên đảo, mọi nghĩ suy ấy đều “tiêu tan” vì một Sơn Ca mang đậm dấu ấn hồn dân tộc giữa trùng khơi.
Một góc đảo Sơn Ca nhìn từ hải đăng
Ấn tượng đầu tiên về Sơn Ca là một đảo cực xanh giữa biển cả. Bởi ngoài những rặng cây phi lao, hàng trăm cây bàng vuông, phong ba, mù u... cổ thụ phủ kín đảo còn có những giàn bầu, bí, mướp, rau xanh cùng với tiếng gà gáy, vịt kêu và sự háu ăn của đàn heo càng làm cho khung cảnh Sơn Ca không khác gì không khí bình dị ở một làng quê trong đất liền Việt Nam. Chiều chiều trên đảo, tiếng chuông chùa ngân vang càng làm cho Sơn Ca thanh bình và ấm áp giữa vòng tay của Tổ quốc mến yêu. Chùa Sơn Linh trên đảo thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ với cột bằng gỗ quý, mái lợp ngói đỏ và 4 mái nhà cong như sóng biển... Những năm qua, chùa là điểm đến tâm linh của ngư dân, là nơi để bộ đội liên tưởng đến quê nhà trong đất liền, giúp mọi người có thêm động lực, tinh thần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Có lẽ do ở vùng khí hậu ôn hòa nên đảo có rất nhiều chim chiền chiện (tên gọi khác của chim sơn ca). Loại chim nhỏ bé này có tiếng hót rất hay và là đề tài muôn thuở trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Loại chim này thường được dùng để minh họa cho cuộc sống thanh bình, no ấm ở các làng quê Việt Nam. Ở đảo, chúng hót vang cả ngày. Nghe tiếng hót của sơn ca đã gợi nhớ đến cảnh tấp nập, rộn ràng của đồng quê Việt Nam vào mùa gặt lúa. Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca nói: Chim sơn ca ở đảo sống quanh năm và rất dạn dĩ. Chúng có thể sà xuống hòn non bộ để uống nước hay bay vào nhà bếp, chòi lá để tìm kiếm thức ăn. Có lẽ vì nhiều chim chiền chiện và khát vọng về một cuộc sống thanh bình, no ấm nên cha ông ta đã đặt tên đảo nhỏ giữa trùng khơi này là Sơn Ca.
Những điểm nhấn riêng
Tham quan đảo, chúng tôi thấy Sơn Ca còn có rất nhiều điều mới lạ. Bằng bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, người lính đảo đã biến những vật liệu dư thừa, phế thải trong mọi lĩnh vực để sáng tạo sản phẩm tinh tế lạ mắt. Như độ xe rùa hư thành chậu hoa có hình người đẩy, thép xây dựng uốn thành hình xe ba gác, xe đạp chở hoa và những thiếu nữ mặc áo dài gánh hoa... Nhiều cây cảnh mang từ đất liền ra được tạo dáng, thế khác lạ làm cho không gian ở đảo thêm sinh động. Đảo có những bồn hoa, cây cảnh, hàng rào và một số công trình khác được xây dựng bằng gạch chủ quyền rất ấn tượng. Gạch chủ quyền là những viên gạch đúc thủ công từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống của người Việt. Trên 2 bề mặt mỗi viên gạch đều có hình Quốc huy của đất nước rất rõ nét. Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, người có nhiều năm công tác ở Trường Sa cho biết: Điều đặc biệt ở những viên gạch chủ quyền này có kích thước rất đều nhau, không cong, xô hay méo như thường thấy. Thứ hai, là màu sắc rất bền, trải qua nhiều năm sương gió, bão biển nhưng màu sắc không bị phai nhạt như một loại gạch xây dựng khác.
So với các đảo khác ở Trường Sa, Sơn Ca có sự ưu ái của thiên nhiên nên cuộc sống sinh hoạt ở đây khá thoải mái. Đảo không nằm trong vùng gió to, sóng dữ nên việc tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng rất thuận lợi. Rau xanh, sản phẩm chăn nuôi, nước ngọt, điện, tín hiệu phát thanh, truyền hình... trên đảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nên bộ đội không có cảm giác xa cách với đất liền.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca
Điểm nhấn làm cho Sơn Ca khác biệt với các đảo khác là Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên con đường cũng mang tên Đại tướng. Công viên chỉ rộng tầm 500m2, được thiết kế rất bài bản với tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp vươn lên giữa bầu trời xanh lộng gió. 2 bức phù điêu sau tượng đài gắn 300 bức ảnh bằng gốm sứ về cuộc đời, sự nghiệp, nhiều quyết định quan trọng và những chiến công của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam. Xung quanh công viên có nhiều cây xanh che bóng mát và đây là nơi tổ chức hoạt động tập thể của đảo. Công viên được xây dựng vào năm 2015 do Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tài trợ.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca nói: Sự hiện diện của tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo đã giúp cán bộ, chiến sĩ Sơn Ca như được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Gặp người con của quê hương bình phước
Là tỉnh miền núi, vùng sâu biên giới... nhưng có rất nhiều người con của Bình Phước đang ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ biển trời và Trường Sa thân yêu. Chính vì vậy, mỗi khi được đặt chân lên từng đảo, chúng tôi luôn tìm đồng hương. Dò hỏi khắp Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn Đông đều không thấy, nhưng rất bất ngờ khi được gặp đồng hương trên đảo nhỏ Sơn Ca. Đó là Trung úy bộ binh Đoàn Chung Hiếu (SN 1995).
Ngoài sự cố gắng phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong việc biến hòn đảo khô cằn, đầy cát, đá, san hô, quanh năm nắng gió khắc nghiệt thành một Sơn Ca xanh như hôm nay còn có sự chung tay của cả nước làm nên dấu ấn riêng biệt.
Trung tá Trần Hữu Linh, Phó chỉ huy đảo Sơn Ca
Gia đình Trung úy Hiếu sống tại thôn 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh anh hùng. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 2, Hiếu được điều về Vùng 4 Hải quân công tác. Cách đây 2 năm, Hiếu được tổ chức phân công ra đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ. Hiếu kể: Là người lính, em luôn phục tùng sự điều động của lãnh đạo. Dù đã xác định ra Trường Sa là niềm vinh dự và tự hào của các thế hệ thanh niên Việt Nam nhưng buổi đầu đến đảo em cũng rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày chúng em đã quen vì Sơn Ca rất giống với khung cảnh làng quê mộc mạc trong đất liền. Đơn vị lại có chế độ gọi điện thoại về thăm gia đình, người quen mỗi tháng và có đủ phương tiện nghe nhìn... nên em có cảm giác như ở sát đất liền. Gia đình em có 3 chị em, ba mẹ làm nông nghiệp nhưng đất đai không nhiều nên cuộc sống chỉ tạm ổn. Chị gái của Hiếu là giáo viên tiểu học tại TP. Hồ Chí Minh, sau Hiếu có 1 em trai đang học đại học. Nhờ có đồng lương của chị và Hiếu nên gia đình cũng bớt gánh nặng kinh phí học tập cho con út. Hiếu cho rằng, là chiến sĩ thì ở đâu cũng phải rèn luyện để cống hiến. Cũng giống như những đồng đội đến từ khắp dải đất hình chữ S, người con của quê hương Bình Phước ở đảo Sơn Ca thêm rắn rỏi, trưởng thành. Hiếu tâm niệm, dù xa đất liền, xa người thân và gia đình nhưng với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, em nguyện ở lại công tác thêm nhiều năm nữa để góp sức vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tạm biệt Sơn Ca để tiếp tục chuyến hải trình, xin gửi lời chào thân ái đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo và người con Bình Phước thân thương với niềm hy vọng ngày trở lại thăm các anh. Chúc các anh nơi đảo xa luôn giữ vững niềm tin, đồng lòng, chung ý chí vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/to-quoc-noi-dau-song---bai-4-404610