Tờ sắc lệnh lịch sử

Chúng tôi về huyện Định Hóa (Thái Nguyên), dừng chân ở đồi Pụ Đồn, xã Phú Đình dưới chân đèo De, có nhà bia lịch sử ghi dấu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện Sắc lệnh số 110-SL ngày 20-1-1948 phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Trong tư liệu của Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, ghi: “... tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 19-1-1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định phong quân hàm cấp tướng, tá cho cán bộ quân đội. Ngày 20-1-1948 tại Phủ Chủ tịch-mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội; trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng.

Sắc lệnh phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Sắc lệnh phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Buổi lễ phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp được tiến hành trong ngôi nhà gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là bàn thờ Tổ quốc. Hai bên là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Đúng 13 giờ ngày 28-5-1948, buổi lễ bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm, Bác Hồ bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng đợi hồi lâu, Bác chưa nói gì mà chỉ rút trong túi ra chiếc khăn mùi xoa lau nước mắt. Ai nấy đều vô cùng xúc động.

Nhà bia lịch sử trên đồi Pụ Đồn, nơi diễn ra sự kiện phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Nhà bia lịch sử trên đồi Pụ Đồn, nơi diễn ra sự kiện phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm ấm: Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất. Tiếp đó, Bác giao bản Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.

Địa điểm đồi Pụ Đồn đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

MAI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/to-sac-lenh-lich-su-651946