Tơ tằm Lâm Đồng: Những bước đi triển vọng

Ngành trồng dâu nuôi tằm - dệt lụa của Lâm Đồng, với thủ phủ Bảo Lộc, từng trải qua những cơn thăng trầm cùng sự trồi sụt của toàn ngành tơ tằm thế giới. Từ năm 2015 trở lại đây, ngành tơ tằm Lâm Đồng đã bắt đầu khởi sắc trở lại, với những vườn dâu bát ngát, những lứa tằm bội thu và hàng triệu USD tơ xuất khẩu.

Sản xuất tơ xuất khẩu tại Lâm Đồng. Ảnh: D.Quỳnh

Sản xuất tơ xuất khẩu tại Lâm Đồng. Ảnh: D.Quỳnh

Sống lại nghề tằm

Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã làm văn bản đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng tơ tằm xuất đi từ Việt Nam. Do chính sách thuế quan Việt Nam đã ký với một số quốc gia, tơ lụa xuất xứ Việt Nam có nhiều ưu đãi và nếu không kiểm soát chặt, một số mặt hàng tơ lụa sẽ đội lốt hàng Việt Nam tham gia xuất khẩu, ảnh hưởng tới thương hiệu cũng như làm các quốc gia nhập khẩu thay đổi chính sách với tơ lụa Việt.

Ngành dâu - tằm - tơ đã có mặt ở Lâm Đồng từ những năm 1970 của thế kỷ 20, phát triển mạnh từ năm 1986 đến năm 1990 và sau đó suy thoái do sự phát triển mạnh mẽ của ngành tơ lụa Trung Quốc và tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tới khoảng những năm 2014-2015, ngành tơ tằm đã thực sự hồi phục. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi như khí hậu và đất đai, Lâm Đồng hiện có diện tích trồng dâu và số lượng hộ nuôi tằm lớn nhất nước; nhà máy dệt và dệt lụa nhiều nhất Việt Nam, với xấp xỉ 6.770 ha dâu, 14.000 hộ nuôi tằm và 330 cơ sở ươm, xe tơ.

Lột xác hoàn toàn từ cuộc “đại khủng hoảng” ngành dâu - tằm - tơ năm 1990, nông dân Lâm Đồng đã ứng dụng rất nhiều giống mới, kỹ thuật canh tác, chăm sóc tằm mới, thay cho việc trồng dâu nuôi tằm cổ truyền. Nhờ việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, sản lượng kén tằm Lâm Đồng tăng rõ rệt, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân; đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào cho các nhà máy ươm tơ, xe tơ. Thậm chí, lượng kén sản xuất trong nội địa không đủ, Lâm Đồng đã nhập kén tằm từ Trung Quốc, Sri Lanka về sản xuất tơ sống, tơ xe để phục vụ xuất khẩu.

Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, tơ được sản xuất từ Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Sản lượng tơ mỗi năm đều tăng theo diện tích trồng dâu nuôi tằm. Năm 2018, Lâm Đồng xuất khẩu 9 triệu USD tơ se, tơ sống các loại và mới 9 tháng năm 2019, lượng xuất khẩu tơ Lâm Đồng đã đạt con số trên. Tơ Lâm Đồng đã trở thành nguồn cung chất lượng cho nhiều quốc gia có nghề sản xuất lụa tơ tằm, đồng thời mang lại nhiều triệu USD cho Việt Nam.

Hướng mở triển vọng

Tuy nghề dâu - tằm - tơ Lâm Đồng đã khởi sắc, với hàng chục ngàn nông hộ gắn bó với cây dâu con tằm nhưng từ thực tế nhìn nhận, còn rất nhiều khó khăn để có nghề tằm tăng bền vững.

Có bốn bước chính của quy trình sản xuất tơ tằm: trồng dâu và nuôi tằm từ trứng; ươm tơ; xe tơ, khử màu nhuộm lụa thô và dệt lụa. Ở bước đầu tiên, hầu hết trứng tằm Lâm Đồng đang phụ thuộc vào Trung Quốc với trên 90% lượng trứng trên thị trường là hàng nhập khẩu. Và ở bước thứ ba, công nghệ nhuộm của các cơ sở dệt ở mức thấp, phần lớn các sản phẩm là vải lụa mộc. Kết quả là sản phẩm lụa tơ tằm Lâm Đồng rất đơn giản, ít thu hút khách hàng. Số lượng lớn các nhà sản xuất lụa ở Lâm Đồng chủ yếu gia công cho các công ty Nhật Bản. Những điều này đã ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và tính bền vững của thương hiệu lụa Bảo Lộc vang danh một thời.

Lâm Đồng đã ban hành Dự án phát triển bền vững ngành tơ lụa trong giai đoạn 2019-2023 trong Quyết định 1371/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2019. Dự án xác định hai mục tiêu đến năm 2023 bao gồm phát triển bền vững công nghiệp tơ lụa, hình thành chuỗi sản xuất tơ lụa, giảm thiểu tác động của môi trường, tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nhằm cải thiện mức sống của khu vực nông thôn; đồng thời phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành trung tâm tơ lụa của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu của dự án cần làm rất nhiều việc, từ chủ động nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dâu - tằm cho người nông dân cho tới việc kêu gọi đầu tư những nhà máy với công nghệ nhuộm - dệt cao cấp, cho ra đời những sản phẩm đa dạng từ lụa tơ tằm. Ngành công thương đang xúc tiến, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tơ tằm tìm thêm các đầu mối xuất khẩu; đồng thời đề nghị Bỉ, một quốc gia có nghề nhuộm rất phát triển hỗ trợ Lâm Đồng kỹ thuật nhuộm, dệt lụa tơ tằm phong phú, đa dạng về màu sắc và hoa văn. Không chỉ bằng lòng với những mét tơ xuất khẩu, Lâm Đồng đang phấn đấu trong tương lai, sẽ có những tấm lụa đẹp được sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với thương hiệu tơ tằm Bảo Lộc.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/to-tam-lam-dong-nhung-buoc-di-trien-vong-2967303/