Tô thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào

Hình ảnh của các đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào sẽ được khắc ghi như biểu tượng của tình hữu nghị đời đời bền chặt của hai nước.

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ảnh: TTXVN

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ảnh: TTXVN

Trên tinh thần tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, được sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tô thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào sẽ được tổ chức lúc 9 giờ ngày 29.10 tại hội trường Bộ Quốc phòng và được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Hoàn thành trách nhiệm lịch sử

Cách đây 70 năm, ngày 30.10.1949, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam chính thức được thành lập. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình", nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng chính trị; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, phát động nhân dân đấu tranh, củng cố, mở rộng vùng giải phóng; chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; bảo vệ nhân dân, chính quyền và thành quả cách mạng Lào.

- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Năm 1945, sau một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, Việt Nam và Lào giành lại được nền độc lập. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam và Lào lần thứ hai. Trước tình hình đó, ngày 25.11.1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt-Miên-Lào chống Pháp xâm lược”.

Ngày 30.10.1949, từ những diễn biến mới của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức các lực lượng quân sự Việt Nam sang giúp Lào chiến đấu thành hệ thống riêng, lấy tên là Quân tình nguyện.

Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, riêng năm 1951, lực lượng cán bộ và bộ đội Việt Nam chi viện cho chiến trường Lào tăng lên đến 12.000 người.

Tháng 4.1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào và giành được thắng lợi. Từ đó, hậu phương kháng chiến của Lào nối với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam-Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương phát triển.

Với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương.

Dựa vào sự ủng hộ của nhân dân các bộ tộc Lào, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Lào Ítxala tổ chức tập kích, phục kích, đập tan nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững các khu căn cứ kháng chiến, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước phối hợp đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ và những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận quân sự đã tạo đà để Việt Nam và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, khôi phục hòa bình tại Đông Dương.

- Và kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Từ nửa cuối năm 1954, Việt Nam và Lào cùng bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Có chung kẻ thù, truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ, gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước tiếp tục được kế thừa, nâng lên và phát triển.

Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định cử lực lượng Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là Chuyên gia quân sự) sang giúp đỡ cách mạng Lào. Lần lượt các đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự 100, 959, 463, 565 và các đoàn quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866 và 968 đã sang chiến trường Lào, dốc sức giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài.

Từ năm 1960, trên chiến trường Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa-thét Lào đã mở chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), Đường số 8, Đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), Cánh Đồng Chum (1964, 1969) và tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng Mường Phìn, Bản Đông (1960-1961), Đường 12, từ Mụ Dạ đến Đường 9 (1962-1963), Pha Lam-Đồng Hến (1964-1965)... Các chiến dịch trên tạo ra những bước nhảy vọt cho chiến tranh cách mạng Lào; đồng thời, cũng hỗ trợ đắc lực, tạo thời cơ thuận lợi cho các bước chuyển biến của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam.

Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27.1.1973) về Việt Nam và Hiệp định Viên Chăn về Lào (ngày 21.2.1973).

Tháng 12.1973, tại cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, hai Đảng thống nhất đưa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, hỗ trợ cho bộ đội giải phóng Lào chiến đấu ở phía trước. Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam từng bước rút Chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước.

Tuy nhiên, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, trước tình hình chính trị phức tạp, tháng 12.1976, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chính thức yêu cầu Bộ đội Việt Nam trở lại hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Lào ổn định an ninh, trật tự.

Với tinh thần đó, ngày 22.9.1977, Hiệp định hợp tác phòng thủ giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào được ký kết, hợp pháp hóa về mặt pháp lý quốc tế cho sự có mặt của Quân đội Việt Nam trên đất nước Lào. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến năm 1987 mới rút hết về nước, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình.

“Tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy được rằng, trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng sự liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào.

Trên thực tế, sự liên minh, phối hợp chiến đấu giữa Việt Nam và Lào đã tạo nên những thành tích không nhỏ. Đặc biệt, phối hợp hành động với quân và dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những thắng lợi to lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của cả hai dân tộc.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: Trong lịch sử của cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản cao cả, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như Việt Nam-Lào. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của mỗi nước...

Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Núi có thể mòn, sống có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Và hình ảnh của các đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào sẽ được khắc ghi như biểu tượng của tình hữu nghị đời đời bền chặt của hai nước, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith từng nói: Hình ảnh những người cha, người mẹ Việt Nam và Lào tiễn đưa những người con yêu dấu của mình ra tiền tuyến, hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào kề vai sát cánh bên nhau, hiên ngang ra trận, cùng ăn mừng chiến thắng sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân hai nước chúng ta và sẽ không bao giờ nhạt phai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith khẳng định nhân dân các dân tộc Lào mãi mãi không bao giờ quên, trên từng mảnh đất thiêng liêng của đất nước Lào đều ghi dấu sự hy sinh mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, mồ hôi xương máu của họ đã hòa quyện với mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ Lào.

Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/to-tham-tinh-huu-nghi-doan-ket-dac-biet-viet-lao-119706