Tổ tiên loài người chưa bao giờ đi bằng bốn chân?
Một xương chậu hóa thạch được tìm thấy ở Hungary cho thấy tổ tiên của loài người có thể đứng thẳng sớm hơn nhiều so với các nhà nhân học nghĩ trước đây.
Các nhà khoa học từ lâu đã nghĩ rằng con người tiến hóa từ loài vượn di chuyển trên bốn chân, và họ chưa rõ về cách thức và thời điểm tổ tiên xa xôi của chúng ta đi bằng hai chân.
Xương chậu hóa thạch của Rudapithecus, một họ hàng đã tuyệt chủng từ lâu của loài người và vượn hiện đại, có thể mang theo câu trả lời. Nghiên cứu mới về mảnh vỡ hóa thạch này cho thấy rằng khi con vượn có kích thước nhỏ di chuyển xuống đất từ những thân cây, nó không đi trên bốn chi như tinh tinh hay khỉ đột, như các nhà khoa học đã nghĩ trước đây. Thay vào đó, nó đứng thẳng trên hai chân - giống như một con người.
"Chúng ta đã luôn tự hỏi: tại sao dòng dõi của chúng ta phát triển? Tại sao chúng ta đứng lên từ bốn chân?; nhưng Rudapithecus đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta chưa bao giờ đi bằng bốn chân từ đầu?", Carol Ward, giáo sư giải phẫu tại Đại học Y khoa Missouri, nói. Bà là tác giả chính của một bài báo về nghiên cứu được công bố ngày 17 tháng 9 trên Tạp chí Human Evolution.
"Hóa thạch này khiến chúng tôi thay đổi cách tiếp cận hồ sơ hóa thạch và thay đổi hiểu biết về nguồn gốc theo một cách khác về cơ bản so với trước đây", bà nói thêm.
Cái nhìn mới về hóa thạch cũ
Xương chậu 10 triệu năm tuổi này được khai quật ở Rudabánya, một thành phố ở phía bắc Hungary, vào năm 2006. Nó là xương chậu Rudapithecus duy nhất được biết đến, và là một trong bốn xương chậu vượn tương đối hoàn chỉnh hơn 4 triệu năm tuổi.
"Đây là bộ xương cổ nhất mà trông giống như xương chậu vượn", đồng tác giả nghiên cứu David Begun, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Toronto, người đã phát hiện ra hóa thạch cho biết.
Năm 2009, Begun đã tìm đến Ward, chuyên gia về giải phẫu xương chậu, để giúp phân tích mảnh xương.
Làm việc cùng với Mike Plavcan, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Arkansas ở Fayetteville và Ashley Hammond, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tại Thành phố New York, Ward và Begun đã dành một thập kỷ để lập bản đồ các đường viền của hóa thạch và tạo ra một mô hình máy tính 3D chi tiết của một khung xương Rudapithecus hoàn chỉnh.
Họ cũng tạo ra các mô hình bộ xương của khỉ đột, khỉ, đười ươi và các loài linh trưởng hiện đại khác. Bằng cách so sánh các mô hình, họ đã có thể suy luận ra giải phẫu của Rudapithecus - đường cong của cột sống, vị trí của chân, cơ chế của dáng đi.
Nghiên cứu cho thấy Rudapithecus trông khá khác biệt so với loài vượn hiện đại - loài có phần lưng dưới ngắn và cứng hỗ trợ trọng lượng đáng kể của chúng khi trèo cây, nhưng cũng kéo theo việc di chuyển trên tất cả bốn chân khi ở trên mặt đất.
Rudapithecus trông giống con người hơn, có lưng dưới dài và linh hoạt giúp dễ dàng đứng thẳng.
"Nếu đó là giải phẫu của tổ tiên chúng ta, thì việc chuyển sang đi bằng hai chân không thực sự là một vấn đề lớn", Ward nói. "Chúng ta chỉ đơn giản là chuyển sang làm việc đó, chứ không phải có một sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta di chuyển".
Rudapithecus sống trong thời kỳ Miocene, thời kỳ ấm áp vừa phải đã kết thúc từ 8 triệu đến 5 triệu năm trước. Trái đất trở nên lạnh hơn và khô hơn trong cuối thời đại này, khiến các khu rừng bị thu hẹp và buộc loài vượn phải xuống sinh sống trên những vùng đồng cỏ rộng lớn. Nếu chúng có thể đứng thẳng, Ward nói, chúng có thể hoạt động tốt hơn trong môi trường nhiều biến đổi.
Nhưng liệu giải phẫu đáng ngạc nhiên của Rudapithecus có thực sự giải thích sự tiến hóa của con người - và làm thế nào chúng ta từ bốn chân chuyển sang sử dụng hai chân? Các nhà khoa học khác cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.
Mặc dù Rudapithecus có liên quan rõ ràng với con người và loài vượn hiện đại, nhưng không rõ liệu đó có phải là tổ tiên trực tiếp của bất kỳ loài nào hiện nay hay không. Có thể là con người được thừa hưởng tư thế thẳng đứng từ Rudapithecus hoặc một loài có liên quan chặt chẽ, nhưng cũng có thể là Rudapithecus đã chết mà không truyền lại đặc điểm này.
"Nghiên cứu này cho chúng ta biết một điều rất thú vị về Rudapithecus, và nó cũng cho chúng ta biết những thông tin thú vị về sự tiến hóa của loài vượn lớn nói chung", Jay Kelley, một nhà nhân chủng học tại Viện Con người thuộc Đại học bang Arizona ở Tempe, người không tham gia nghiên cứu, nói. "Tuy nhiên, (cột sống dài và linh hoạt) có thể là một thứ gì chỉ có riêng ở Rudapithecus".
Begun cho biết các nhà nghiên cứu cần điền vào những khoảng trống trong hồ sơ hóa thạch giữa Rudapithecus và loài vượn hiện đại và con người để tìm ra câu trả lời. Ward cho biết nghiên cứu mới này đặt ra vấn đề đó, giúp các nhà khoa học đặt câu hỏi đúng về cách con người chuyển sang đi bằng hai chân.
"Mọi người đều đã nhìn thấy bản vẽ trong đó loài người chuyển từ vượn đi bằng bốn chân sang đi bằng hai chân," Ward nói. "Đó là những gì chúng ta luôn nghĩ đã xảy ra bởi vì tất cả những gì chúng ta biết là về động vật hiện đại. Nhưng bây giờ, nhìn vào hồ sơ hóa thạch, chúng ta có thể đã sai về những con vật tổ tiên, và đây là một câu đố lớn cần giải đáp".