Tổ truyền thông cộng đồng giúp phụ nữ vươn lên bình đẳng giới ở Quảng Bình
Thời gian gần đây, thực hiện Dự án 8: bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hướng tới mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất,Tổ truyền thông cộng đồng ở miền núi huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hoạt động hiệu quả, góp phần tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, hướng tới cuộc sống văn minh.
Trước đây, cuộc sống đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình còn nặng những hủ tục, kìm hãm sự phát triển. Hủ tục cũng là rào cản đối với sự tiến bộ của người phụ nữ, phân biệt giới tính, thiếu bình đẳng giới trong bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, đời sống kinh tế - xã hội khởi sắc, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số cũng từng bước được nâng cao. Thời gian gần đây, thực hiện Dự án 8: bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hướng tới mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Tổ truyền thông cộng đồng ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hoạt động hiệu quả, góp phần tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, giúp người dân hướng tới cuộc sống văn minh.
Xưa, người phụ nữ Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình luôn nặng gánh việc nhà, nhiều hủ tục vây quanh cuộc sống. Đặc biệt, sau khi kết hôn, người phụ nữ lo toan cả kinh tế gia đình, lên nương làm rẫy. Trong khi đó, những người đàn ông, người chồng trong gia đình chưa có sự chia sẻ lo toan. Họ mặc định việc nhà, nuôi dạy con và cả nương rẫy đều là trách nhiệm của người vợ. Hơn nữa, người phụ nữ không được tham gia vào những đại sự trong gia đình, khoảng cách về bình đẳng giới rất lớn và thiệt thòi vẫn là người phụ nữ. Tảo hôn, sinh con sớm hay những hủ tục nối dây, hôn nhân cận huyết… là vòng tròn luẩn quẩn cứ đeo bám nhiều thế hệ phụ nữ Bru-Vân Kiều nơi đây.
Xã rẻo cao Trường Sơn hôm nay đã thay đổi. Cuộc sống người dân khá hơn và nhận thức của người Vân Kiều cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Mới đây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng". Tổ truyền thông cộng đồng đã huy động được lực lượng nòng cốt là cán bộ từ thôn, bản, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia. Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền về thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, thói quen lạc hậu, luôn đồng hành, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái vượt lên chính bản thân mình.
Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, nhờ việc tuyên truyền tích cực, mưa dầm thấm lâu, phụ nữ Vân Kiều ở xã Trường Sơn không còn bó buộc trong những hủ tục. Chị em được “giải phóng” khỏi những khắt khe của tục lệ và mở rộng giao lưu với nhau, hội họp ca hát trong những dịp lễ hội.
Theo bà Trần Thị Thùy Dung, cuộc sống của bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn trở nên vui tươi hơn, mọi người cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
“Tổ truyền thông cộng đồng tổ chức các cuộc truyền thông tại thôn bản nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, thay đổi định kiến về giới tính, thậm chí thay đổi tư duy của nam giới chứ không chỉ riêng tuyên truyền cho chị em phụ nữ. Mưa dầm thì thấm lâu, lâu dần tư duy của bà con đồng bào đã khác hơn”, bà Dung nói.
Công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục của các tổ truyền thông cộng đồng được thực hiện bài bản, đồng bộ. Từ Tổ truyền thông cộng đồng, các bản làng thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”, các hoạt động có sự tham gia của cán bộ địa phương, thôn, bản, thầy cô giáo, học sinh và đồng bào. Các Tổ truyền thông cộng đồng, các câu lạc bộ đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn và thu hút đông đảo đồng bào tham gia như truyền thông, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, khơi dậy ước mơ được học tập của trẻ em, đặc biệt là các trẻ em gái dân tộc Bru- Vân Kiều. Sự tham gia của nam giới cũng đã tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động không chỉ của riêng phụ nữ mà cả nam giới khác trong cộng đồng.
Anh Hồ Văn Ngọc, ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tâm sự, cuộc sống ngày càng văn minh, tư duy của người dân cũng phải thay đổi. Những hủ tục xưa không còn hợp thời mà chỉ làm khổ người phụ nữ thì nên xóa bỏ dần. Người Vân Kiều ngày nay đã biết làm kinh tế để thoát nghèo. Do vậy, vợ chồng anh Ngọc phải đồng lòng, yêu thương giúp đỡ nhau, đàn ông biết đỡ đần việc cho vợ thì vợ cũng san sẻ công việc giúp mình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. “Động viên anh em gần xa, gặp ai mình cũng tuyên truyền rằng phong tục xưa lạc hậu thì mình phải xóa bỏ đi. Bữa nay người dân dần xóa bỏ hủ tục đến 80-90% rồi, không còn nhiều như xưa nữa đâu. Tuyên truyền giúp đỡ phụ nữ thì tuyên truyền đến bà con để mọi người rút kinh nghiệm để cùng tham gia với xã hội”.
Xã Trường Sơn chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã, không có điện lưới, không có nước sạch để sinh hoạt. Trẻ em muốn đi học phải đi bộ đường rừng hàng chục cây số, đi cả ngày đường bộ. Tại địa phương này, dân tộc Bru - Vân Kiều chiếm hơn 60% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi. Đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều vẫn còn nhiều hủ tục, là rào cản lớn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, người phụ nữ nơi đây vẫn là nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình với nhiều nguyên nhân. Từ khi được thành lập, Tổ truyền thông cộng đồng đã giúp nhiều phụ nữ nơi bản làng biên giới vượt qua những rào cản hủ tục.
Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình có 42 Tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, bản làng miền núi biên giới. Đây là một trong những mô hình trong triển khai Dự án 8, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021- 2030, có nhiệm vụ “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Theo bà Châu Thị Định, mô hình này góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục lạc hậu: “Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chia sẻ với các hộ gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế. Phụ nữ không chỉ quanh quẩn việc bếp núc nội trợ trong gia đình mà có thể dần dần cởi bỏ những rào cản về định kiến, phụ nữ có thể tham gia cả những công việc của xã hội”.