Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân: Mô hình hoạt động hiệu quả

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay cả nước có 2.538 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, với 207.552 công nhân lao động tham gia. Đây là mô hình do tổ chức Công đoàn phối hợp với Công an và chính quyền địa phương thành lập và tổ chức hoạt động, thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đạt hiệu quả cao với mô hình này, nhờ sự vào cuộc của Công đoàn và các cấp chính quyền.

Đa dạng các mô hình hoạt động

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc thành lập mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần nâng cao nhận thức của công nhân lao động, từ đó hạn chế xảy ra các vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Cán bộ Liên đoàn Lao động Thành phố tuyên truyền pháp luật tới công nhân lao động tại khu nhà trọ

Cán bộ Liên đoàn Lao động Thành phố tuyên truyền pháp luật tới công nhân lao động tại khu nhà trọ

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện cả nước có 22 địa phương có mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Riêng Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh có 1757 tổ, với 120.242 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động Long An có 281 tổ với 17.460 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có 92 tổ với trên 20.000 công nhân lao động tham gia; Liên đoàn Lao động Đà Nẵng có 56 tổ với 5.750 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động Đồng Tháp có 37 tổ với 2.508 công nhân lao động…

Ngoài ra, do đặc điểm tình hình, một số địa phương không có mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân mà có mô hình khác, như Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh thành lập 93 “Tổ an ninh công nhân” tại 6 doanh nghiệp FDI. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh xây dựng được gần 300 Đội công nhân xung kích với trên 7.000 thành viên tham gia.

Nhiều khu nhà trọ công nhân được trang bị phòng đọc, giúp nâng cao kiến thức cho công nhân. Ảnh: B.D

Nhiều khu nhà trọ công nhân được trang bị phòng đọc, giúp nâng cao kiến thức cho công nhân. Ảnh: B.D

Theo ông Lê Cao Thắng – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Thời gian qua, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là phòng chống ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội ở khu nhà trọ công nhân bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, gắn với các hoạt động, các phong trào của tổ chức Công đoàn, qua đó giúp người lao động cư trú tại đây được nắm chủ trương, kịp thời phòng tránh và nêu cao cảnh giác, phát hiện và thông tin đến lực lượng chức năng khi phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, nhiều đơn vị còn định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như “Tiếng hát công nhân khu nhà trọ”, tổ chức trò chơi vận động, hội thảo, hội thi ẩm thực, chăm lo cho công nhân nhà trọ không về quê vui tết.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Cao Thắng cho hay: Qua tổng kết, công nhân lao động tại tổ công nhân tự quản khu nhà trọ đều sống lành mạnh, quan hệ tốt với chủ nhà trọ, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, không vi phạm pháp luật.

Công nhân lao động đều thực hiện tốt 5 không: Không gây ồn ào làm mất trật tự, không ma túy, không mại dâm, không uống rượu, không cờ bạc. Làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia bắt giữ kẻ phạm tội; nhắc nhở và kịp thời cung cấp thông tin cho tổ trưởng, công an khu vực những biểu hiện người có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong tổ; tham gia tổ chức tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Công đoàn các cấp còn phối hợp với lực lượng Công an phường xã, cảnh sát khu vực tổ chức phát động phong trào đấu tranh phòng chống và tố giác tội phạm; tiến hành kiểm tra, nhắc nhở chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, gắn sinh hoạt tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với sinh hoạt tổ dân phố định kỳ hàng tháng, tuyên truyền phòng chống tội phạm. Tuyên truyền vận động công nhân lao động cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, tổ chức Công đoàn của các thế lực thù địch; xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Đặc biệt, nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã trang bị tủ sách, báo, tivi, loa phát thanh, sách, báo, dụng cụ thể dục thể thao… làm phương tiện thông tin tuyên truyền, nghe, nhìn cho công nhân lao động ở trọ tiếp cận thông tin thời sự; đồng thời hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban điều hành Tổ tự quản; vận động chủ nhà trọ không tăng giá tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động, tiêu biểu như Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An.

Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn. Ở nhiều khu nhà trọ, Ban Công nhân tự quản đã vận động công nhân đóng góp tiền hỗ trợ cho công nhân lao động ở trọ mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền điều trị bệnh, mở lớp học tình thương cho con công nhân lao động…

Cần sự phối hợp từ chính quyền, đoàn thể các cấp

Qua tổng kết từ các mô hình, việc xây dựng Tổ tự quản trong công nhân là một hình thức tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tích cực trong việc tạo dựng được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, từ đó không để xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Cao Thắng cho hay: Qua tổng kết, công nhân lao động tại tổ công nhân tự quản khu nhà trọ đều sống lành mạnh, quan hệ tốt với chủ nhà trọ, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, không vi phạm pháp luật.

Công nhân lao động đều thực hiện tốt 5 không: Không gây ồn ào làm mất trật tự, không ma túy, không mại dâm, không uống rượu, không cờ bạc. Làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia bắt giữ kẻ phạm tội; nhắc nhở và kịp thời cung cấp thông tin cho tổ trưởng, công an khu vực những biểu hiện người có hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong tổ; tham gia tổ chức tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Thông qua hoạt động mô hình các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, các cấp Công đoàn đã tích cực phối hợp cùng với công an và ngành chức năng tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục công nhân lao động các khu công nghiệp, khu tập trung trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện nghĩa vụ nơi tạm trú, tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo ông Lê Cao Thắng, Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân lao động tại các khu công nghiệp là mô hình hoạt động mới, bước đầu đáp ứng đòi hỏi bức thiết của công tác tập hợp quần chúng đa dạng của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn.

Do đó, mô hình tổ chức này đang rất cần có sự quan tâm chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể các cấp và tổ chức Công đoàn, nhất là những địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, rất cần sự quan tâm đầu tư nguồn kinh phí của các cấp chính quyền hàng năm, để duy trì hoạt động các Tổ tự quản.

Để giúp cho việc tổ chức, nhân rộng mô hình thời gian tới đạt kết quả, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quy định hỗ trợ kinh phí, đồng thời đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí hàng năm cho hoạt động của Tổ tự quản, bao gồm tài liệu và phương tiện tuyên truyền như: Tủ sách pháp luật, phương tiện nghe, nhìn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động cho Ban điều hành… để hoạt động các tổ đi vào nền nếp, hiệu quả.

Hà Nội: Biến phức tạp thành trật tự

Là nơi tập trung số lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh với nhiều hoàn cảnh, tính cách khác nhau, công việc ca kíp nên giờ giấc sinh hoạt không thống nhất, đời sống vật chất tinh thần lại còn nhiều thiếu thốn, lo toan nên môi trường sống và tình hình an ninh trật tự trong các khu nhà trọ công nhân rất phức tạp.

Thấu hiểu điều này, nhiều năm qua, các cấp công đoàn và công an Thành phố đã phối hợp chặt chẽ triển khai mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, qua đó giúp công nhân có môi trường sống an toàn hơn trong chính khu trọ của mình.

Ông Hà Đông - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động Thành phố nhìn nhận, thời gian qua, mặc dù Thành phố đã có những chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp đồng thời thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long và một số doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân song vấn đề nhà ở vẫn là nỗi lo toan của đa số công nhân lao động, phần lớn công nhân vẫn ở trọ và tình hình an ninh trật tự trong các khu nhà trọ vẫn có nhiều phức tạp.

Cụ thể, tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, Thạch Thất - Quốc Oai, thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 10% chỗ ở cho công nhân lao động, còn 90% công nhân lao động vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.

Đáng nói, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp như: Nhà trẻ, trường mầm non còn ít, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Tương tự, tại khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn cách trung tâm huyện Sóc Sơn 7km, không có nhà ở cho công nhân.

Công nhân ngoại tỉnh làm việc tại khu công nghiệp này phải thuê nhà trọ trong thôn thuộc hai xã Quang Tiến và Mai Đình với số lượng hơn 2.000 công nhân. Trong đó, tại thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến có số công nhân thuê trọ đông nhất là 1.150 công nhân. “Do đặc điểm của công nhân ở các khu công nghiệp phải làm theo ca, kíp, vì vậy việc đi lại diễn ra cả ngày lẫn đêm.

Mặt khác, số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định rất khó khăn trong công tác quản lý. Tình hình an ninh trật tự trong các thôn nơi có công nhân thuê trọ có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhất là phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ, sinh hoạt, vay nợ, tệ cờ bạc, lô đề, trộm cắp tiềm ẩn phức tạp”- ông Hà Đông cho biết.

Tìm hiểu từ thực tế đời sống công nhân trong các nhà trọ cũng thấy rõ điều này. Theo phản ánh của nhiều công nhân nhà trọ nỗi bất an lớn nhất của họ tình trạng bị trộm cắp, cướp giật hoặc ẩu đả đánh nhau trong khu trọ của mình. “Chuyện buổi sáng công nhân trở dậy đánh răng, rửa mặt, quên không khóa cửa phòng, khi trở vào thì điện thoại, ví tiền đã không cánh mà bay.

Hay chuyện quần áo phơi trên dây, không để ý cũng bị lấy mất, hoặc xe đạp, xe máy của khách đến chơi, chỉ cần sơ hở không khóa cũng trở thành mồi ngon cho trộm cắp… là những chuyện đã từng xảy ra trong khu nhà trọ của chúng tôi”- Một công nhân trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết.

Hay như chuyện công nhân ngoại tỉnh sống buông thả, sa đà vào nghiện ngập, lô đề, cờ bạc dẫn tới mất việc, thậm chí bị thành phần xã hội đen đánh đập, đe dọa hoặc trở nên “thân tàn, ma dại” cũng không còn là chuyện lạ lẫm với công nhân ở trọ.

Tạo môi trường sống an toàn cho công nhân

Thấu hiểu những bất an của công nhân ở trọ và với mục đích mang tới một môi trường sống an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, giúp công nhân lao động ngoại tỉnh an tâm sinh sống, làm việc, từ năm 2012, Liên đoàn Lao động và Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố.

Ban chỉ đạo gồm 11 thành viên, trong đó Phó Giám đốc Công an Thành phố, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố đồng Trưởng ban Chỉ đạo, Phòng PA 28 Công an Thành phố và Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động Thành phố là 2 cơ quan thường trực tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn hoạt động.

Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân với hơn 20.000 công nhân tham gia. 100% các Tổ tự quản đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, nhiều Tổ tự quản xây dựng được lịch sinh hoạt tổ hàng tháng, quý.

Có thể kể tới các hoạt động nổi bật mà Liên đoàn Lao động Thành phố, Công an Thành phố và các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức tại các Tổ tự quản nhà trọ công nhân như: phát hành miễn phí Báo Lao động Thủ đô nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức mọi mặt cho công nhân lao động; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc và tại nạn giao thông, tuyên truyền xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng các ki ốt thông tin, tủ sách pháp luật; tổ chức biểu diễn văn nghệ, tổ chức đêm văn nghệ hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát, đưa hoạt động văn hóa văn nghệ, chiếu phim miễn phí hướng về cơ sở góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động các Tổ tự quản.

Đặc biệt, các Tổ tự quản đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật…

Những cảm nhận của công nhân lao động khi tham gia sinh hoạt Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân chính là minh chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất về hiệu quả đạt được của mô hình này. Công nhân Nguyễn Thị Mai đang ở trọ tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn chia sẻ “Việc thuê nhà trọ cũng nhiều may rủi lắm! Có những khu nhà trọ bảo đảm an ninh nhưng cũng có nhiều khu thường xuyên bị trộm, cắp, gây rối, đánh nhau.

Từ khi Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân được thành lập, tình hình an ninh, trật tự ở khu nhà trọ của chúng tôi được bảo đảm hơn. Khi tham gia Tổ tự quản nhà trọ công nhân chúng tôi cũng rất an tâm. Đây thật sự là điểm tựa vững chắc cho công nhân ở xa như chúng tôi”.

Còn chị Vi Thị Hội, công nhân ở trọ tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh thì bộc bạch: “Từ khi tham gia tổ tự quản, tôi và anh chị em trong khu nhà trọ thường xuyên được tuyên truyền, cập nhật thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động cũng như tuyên truyền về các chính sách pháp luật khác. Tổ được trang bị tủ sách pháp luật để sau giờ làm việc, công nhân có thể tìm hiểu nhờ đó kiến thức, nhận thức pháp luật của công nhân được nâng lên, có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết, đồng thời có ý thức phòng, tránh các tệ nạn xã hội”.

Để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến cho biết, trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn Thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo hướng dẫn hoạt động Tổ tự quản từ cấp huyện đến Thành phố và tập trung triển khai xây dựng nhân rộng mô hình Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố, đặc biệt trên địa bàn các khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghiệp tập trung.

Đặc biệt, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và công an cùng cấp cũng như hệ thống chính trị xã hội ở cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động.

B.Duy - N.Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/to-tu-quan-khu-nha-tro-cong-nhan-mo-hinh-hoat-dong-hieu-qua-97012.html