Tổ 'xe ôm đặc biệt' của chị em phụ nữ ở đảo Lý Sơn
Mọi người thường ví von rằng đó là Tổ xe ôm 'đặc biệt' bởi phụ nữ chiếm tới hơn 2/3 tổng số thành viên, họ kết nối lại với nhau để cùng làm kinh tế bằng nghề chở khách đi tham quan quanh đảo.
Ở đảo Bé An Bình, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), một "Tổ xe ôm" vừa mới được thành lập vào tháng 3/2020.
Mọi người thường ví von rằng đó là "Tổ xe ôm đặc biệt” bởi phụ nữ chiếm tới hơn 2/3 tổng số thành viên.
Họ kết nối lại với nhau để cùng làm kinh tế bằng nghề chở khách đi tham quan quanh đảo - cái nghề tưởng chừng chỉ thuộc về cánh mày râu này.
Chiếc canô vừa cập cảng, gần chục phụ nữ ở gần đó “cưỡi” xe máy ra chào hỏi, báo giá dịch vụ chạy xe.
Thấy tôi ngỡ ngàng, chị Nguyễn Thị Lành, thành viên trong Tổ giải thích, huyện có chủ trương cấm xe điện lưu thông, do vậy, chị em mới đầu tư xe máy để chở khách bởi ngoài trồng hành, tỏi và đi biển, người dân ở đây chỉ sống nhờ vào du lịch. Tuy có vất vả đôi chút nhưng ai nấy đều thấy vui vì có thêm thu nhập.
Dịch vụ chạy xe chở khách có từ khá lâu trên địa bàn nhưng hoạt động kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm nên luôn xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách khiến du khách có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Trước thực tế đó, huyện Lý Sơn đã tập hợp những hộ dân cùng nghề lại với nhau, thống nhất lập ra Tổ xe ôm. Ban đầu chỉ có khoảng hơn chục người tham gia, sau vài tháng số thành viên không ngừng tăng lên, đạt mốc 60 người, dần đi vào ổn định.
Chị Phạm Thị Kiều, Tổ phó Tổ xe ôm, chia sẻ: "Chúng tôi chẳng phân biệt đàn ông, đàn bà gì đâu, miễn thấy đủ sức khỏe là làm thôi."
Khi được hỏi Tổ xe hoạt động thế nào, chị Kiều nhanh nhảu: "Tổ có ghi lại đầy đủ danh sách thành viên. Mỗi xe đều có dán số thứ tự, cứ theo lượt mà đi tour. Hôm nay, chị này chở, hôm sau chị khác chở, thay phiên nhau như vậy cho công bằng. Số tiền kiếm được từ mỗi chuyến xe ôm sẽ được giao nộp lại cho Tổ quản lý, cuối ngày sẽ chia đều ra cho chị em."
“Chúng tôi cũng ý thức được việc phải tự thân trau dồi khả năng giao tiếp, cũng như tích nạp thêm nhiều kiến thức về mảnh đất nơi mình sinh sống như văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh... để có thể tự tin làm hướng dẫn viên khi khách có nhu cầu, tăng tính chuyên nghiệp,” chị Kiều cho biết thêm.
Nghề chạy xe ôm đã thực sự mở ra hướng đi mới cho phụ nữ đảo Bé An Bình. “Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được từ 100.000-200.000 đồng. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải chi tiêu trong gia đình,” chị Lành bộc bạch.
Ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn thông tin sở dĩ huyện cho tạm dừng dịch vụ chở khách bằng xe điện là do các phương tiện này không đủ điều kiện để lưu hành. Có thể nói, trong thời gian ngắn, Tổ xe ôm đã phát huy được hiệu quả trong việc đảm bảo trật tự, nề nếp đồng thời tăng cường sự đoàn kết, sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau giữa các hộ dân.
“Huyện chỉ đạo Tổ xe ôm cân nhắc vị trí đậu, đỗ xe máy cho phù hợp tại khu vực cầu cảng trong thời gian tới và trang bị thêm đồng phục cho các thành viên để tạo ra sự thân thiện, với mong muốn vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi,” ông Ninh cho biết./.