Tòa án chống tham nhũng đặc biệt ở Madagascar

Tháng 6.2018, nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế từ việc phát triển dự án đến cung cấp thiết bị và đào tạo thẩm phán, Chính phủ Madagascar đã thành lập tòa án chống tham nhũng mới độc lập và minh bạch hơn đặt tên là Pôles Anti-Corruption (PAC).

Trang web của PAC

Trang web của PAC

Năm 2002, khi Marc Ravalomanana được bầu làm Tổng thống Madagascar, nước này đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng và bắt tay vào một chương trình cải cách đầy tham vọng, bao gồm việc thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập - Cục Phòng chống tham nhũng (BIANCO). Sau đó, họ tiếp tục thành lập Chaîne Pénale Economique et Anti-Corruption (CPEAC), một nhóm đặc biệt bao gồm các công tố viên và thẩm phán chịu trách nhiệm trong công tác chống tham nhũng tại sáu tòa án cấp tỉnh của Madagascar.

Tuy nhiên, các đánh giá từ năm 2009 đến 2014 được thực hiện bởi các tổ chức chống tham nhũng quốc gia khác của Madagascar đều cho thấy sự thiếu hiệu quả và thiếu minh bạch của CPEAC. Dữ liệu của BIANCO chỉ ra rằng hơn 3.000 vụ án tham nhũng được đệ trình lên CPEAC từ năm 2004 đến 2017 nhưng chỉ có khoảng 800 nghi phạm bị giam giữ trước khi xét xử. Bên cạnh đó, dữ liệu mà CPEAC đưa ra cũng cho thấy tỷ lệ kết án những trường hợp đã được xét xử chỉ rơi vào khoảng 39%.

Do đó, tháng 6.2018, nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế từ việc phát triển dự án đến cung cấp thiết bị và đào tạo thẩm phán, Chính phủ Madagascar đã thành lập tòa án chống tham nhũng mới độc lập và minh bạch hơn đặt tên là Pôles Anti-Corruption (PAC).

PAC là một cơ quan riêng biệt, độc lập trong hệ thống tư pháp của Madagascar, bao gồm cả tòa án sơ thẩm và phúc thẩm. Các quyết định phúc thẩm của PAC có thể được kháng cáo trước Tòa án Tối cao. Cơ cấu tổ chức ban đầu của PAC bao gồm 10 thẩm phán, 8 công tố viên và 12 thư ký. Điều phối viên quốc gia và nhân viên hành chính không thuộc tòa án mà là của cơ quan hành pháp (Bộ Tư pháp) và chỉ có chức năng hỗ trợ. Dự kiến, các PAC bổ sung sẽ được thành lập tại năm thành phố khác của Madagascar trong tương lai gần.

Những hạn chế

Về nguyên tắc, tất cả vụ án tham nhũng và rửa tiền cũng như một loạt tội phạm kinh tế và tài chính nghiêm trọng và phức tạp khác đều thuộc thẩm quyền độc quyền của PAC. Tuy nhiên, thẩm quyền của PAC lại bị giới hạn bởi hai tòa án khác cũng được thành lập vào năm 2018. Đầu tiên, một tòa án đặc biệt phòng chống các tội phạm liên quan đến khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp có thẩm quyền chồng chéo với các vụ án liên quan đến tham nhũng. Thứ hai, để đối phó với áp lực của các nhà tài trợ, phe đối lập chính trị, biểu tình bạo lực và cuối cùng là quyết định của Tòa án Hiến pháp, Chính phủ cũ cũng thành lập Tòa án Công lý Tối cao (Haute Cour de Justice) (HCJ). Tổng thống, các thành viên của Chính phủ, các nhà lãnh đạo Quốc hội và tòa án Hiến pháp hiện chỉ có thể được xét xử bởi HCJ đối với bất kỳ hành vi phạm tội nào liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Điều này làm suy yếu tính độc quyền của PAC liên quan đến tội phạm tham nhũng và tội phạm rửa tiền.

Mặt khác, việc thành lập các PAC bổ sung ở năm thành phố khác của đất nước cũng đang là một khó khăn chưa được giải quyết. Nỗ lực đầu tiên trong việc thành lập PAC ở thị trấn cảng Toamasina đã không thành công sau khi ủy ban tuyển dụng cho biết không có đủ thẩm phán đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt về mặt chuyên môn cũng như sẵn sàng đảm nhận công việc khó khăn này. Trước bối cảnh này, Chính phủ Madagascar cũng lo sợ rằng việc thiết lập thêm năm PAC cũng có thể sẽ rút cạn nguồn nhân lực quan trọng từ các cơ quan tư pháp còn lại. Do đó, Chính phủ Madagascar cùng BIANCO hiện đang thảo luận về việc có nên giới hạn số lượng PAC ở mức ba hay thậm chí chỉ là một PAC quốc gia. Trong khi các vụ án được lan truyền trên toàn quốc, hầu hết các vụ tham nhũng lớn đều được xét xử tại thủ đô, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của việc phân cấp PAC. Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng có thể thấy được rằng những khó khăn trong việc tìm kiếm đủ số lượng thẩm phán đủ điều kiện cũng chứng minh cho sự nghiêm ngặt của quá trình tuyển dụng.

Hơn nữa, tài trợ vẫn là một thách thức - cả về việc thiết lập PAC mới và làm cho PAC hiện nay hoạt động hiệu quả hơn. Ngân sách chung năm 2018 của chính phủ không bao gồm bất kỳ điều khoản nào cho PAC và trong ngân sách chung năm 2019, khoản trợ cấp của PAC được bao gồm chung trong khoản trợ cấp của Bộ Tư pháp. Các nhà tài trợ đang cố gắng lấp đầy khoảng trống ngân sách nhưng vẫn chưa có giải pháp tài chính bền vững nào được đề xuất cho PAC.

Hướng cải thiện hiệu quả

Trước những khó khăn này, một số biện pháp đặc biệt đã được thực hiện để cải thiện hiệu quả và tính minh bạch cho PAC.

Thứ nhất, là thành lập Ủy ban Giám sát và Đánh giá PAC (Comité de Suivi-Evaluation des PAC). Ủy ban này quản lý việc lựa chọn, gia hạn và sa thải các thành viên của PAC, giải quyết các khiếu nại của các thành viên đó và giám sát điều phối viên quốc gia. Hơn nữa, Ủy ban có một vai trò thiết yếu trong quá trình lựa chọn các thẩm phán và thư ký PAC. Một khi các thẩm phán PAC được tuyển dụng, họ sẽ được giao một nhiệm vụ cố định và không thể bị loại bỏ trừ khi có những hành vi sai trái nghiêm trọng mà ủy ban phát hiện.

Thứ hai, các thành viên PAC nhận được trợ cấp chuyên môn, giúp tăng thu nhập của họ khoảng 1,5 đến 2 lần so với các thẩm phán và thư ký thông thường. Là một tổ chức, PAC nhận được ngân sách của riêng mình và tự chủ trong việc sử dụng nó, tăng cường hơn nữa sự độc lập tài chính. Nhìn chung, những tính năng đặc biệt này minh họa rõ ràng rằng mục tiêu chính của việc tạo ra PAC thực sự là bảo vệ tính toàn vẹn và độc lập của các khu vực pháp lý chống tham nhũng.

Quỳnh NhiTheo U4 (Anti-Corruption Resource Centre)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/toa-an-chong-tham-nhung-dac-biet-o-madagascar-post282635.html