Tòa án Công lý quốc tế xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm cơ quan cứu trợ người Palestine
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã tiếp nhận yêu cầu từ Đại hội đồng Liên hợp quốc về đánh giá tính hợp pháp của lệnh cấm do Israel áp dụng đối với Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).
Trong bối cảnh xung đột khu vực vẫn căng thẳng, Israel tiếp tục đối diện nguy cơ gặp nhiều rắc rối pháp lý sau khi ICJ đồng ý xem xét lệnh cấm gây nhiều tranh cãi của quốc gia này nhằm vào UNRWA. Chủ tịch ICJ Nawaf Salam xác nhận sẽ cung cấp văn bản liên quan đề nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 28-2-2025.
Trước khi ICJ tiếp nhận yêu cầu, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành bỏ phiếu và thông qua quyết định đề nghị ICJ tư vấn về nghĩa vụ của Israel trong việc tạo điều kiện viện trợ cho người Palestine. Bộ Ngoại giao Israel không trả lời yêu cầu bình luận liệu quốc gia này có nộp đơn phản hồi lên tòa án hay không.
Dù không mang tính ràng buộc nhưng ý kiến tư vấn của ICJ vẫn có giá trị nhất định và có thể được đưa ra tại các cơ quan pháp lý quốc tế khác như Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).
Theo truyền thông Israel, hồi tháng 10, Quốc hội Israel (Knesset) đã thông qua lệnh cấm UNRWA hoạt động trên phạm vi lãnh thổ quốc gia này. Chính thức có hiệu lực kể từ tháng 1-2025, lệnh cấm cũng ngăn mọi liên hệ giữa các tổ chức chính phủ với UNRWA, khiến cơ quan này đối diện nguy cơ ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo tại Gaza.
Trước khi đưa ra quyết định đầy tranh cãi, Israel đã phát hiện một số nhân viên UNRWA tham gia vụ tấn công do Hamas thực hiện nhằm vào lãnh thổ quốc gia này hồi tháng 10-1023. Israel cũng cáo buộc Hamas sử dụng cơ sở hạ tầng của UNRWA cho mục đích khủng bố, tuyên bố có bằng chứng cho thấy cơ quan của Liên hợp quốc kích động thù hận và bạo lực chống lại quốc gia này.
Trước những cáo buộc của Israel, Liên Hợp quốc khẳng định vai trò trung tâm của UNRWA trong hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo ở Gaza, cũng như cung cấp các dịch vụ y tế và nhân đạo quan trọng khác. Về phần mình, Israel không ghi nhận vai trò của UNRWA tại vùng lãnh thổ này với lập luận rằng hoạt động viện trợ đang được các tổ chức khác đảm nhiệm.
Về hoạt động viện trợ, các tổ chức nhân đạo quốc tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực trợ giúp Bắc Gaza kể từ khi Israel tăng cường bao vây các thành phố Jabalia, Beit Lahia và Beit Hanoun vào ngày 6-10.
Trong gần 3 tháng vừa qua, chỉ 34 xe tải thực phẩm và nước được phép vào Bắc Gaza. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự phức tạp, thực tế chỉ chính thức có 12 xe phân phối hàng viện trợ cho người dân tại khu vực này.
Hệ thống Phân loại Giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) cảnh báo, khả năng cao nạn đói đã xảy ra ở Bắc Gaza và có nguy cơ lan rộng trên toàn bộ vùng lãnh thổ đang chìm trong vòng xoáy xung đột.
Đến nay, khoảng 130.000 người, trong đó có 91.000 phụ nữ và trẻ em, đã buộc phải di dời khỏi Bắc Gaza. Những trường hợp này đang sinh sống trong các tòa nhà bỏ hoang hoặc nơi trú ẩn quá tải ở thành phố Gaza. Việc di dời hàng loạt đã làm căng thẳng thêm các nguồn lực và phức tạp hóa nỗ lực cung cấp viện trợ trong điều kiện vốn đã rất tồi tệ.
Trên khắp Gaza, nhiều chuyến hàng viện trợ vẫn tiếp tục bị chặn lại khi hầu hết cửa khẩu gần như không hoạt động, ngoại trừ cửa khẩu Western Erez vẫn trong tình trạng ổn định. Đáng lo ngại hơn, thời tiết mùa đông dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hơn 1,6 triệu người tại các điểm trú ẩn tạm thời, bao gồm 500.000 người ở những khu vực dễ bị lũ lụt.