Tòa án Hình sự quốc tế yêu cầu 'trát' truy nã các lãnh đạo Israel và phong trào Hamas, phản ứng của Thủ tướng Netanyahu
Ngày 20/5, Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan cho biết, ICC đã đề nghị bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác ở Gaza.
Ông Karim Khan tuyên bố ông đã yêu cầu truy nã Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì các tội danh như: "bỏ đói", "cố ý giết người" và "tiêu diệt hoặc giết người", bao gồm cả việc từ chối cung cấp cứu trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột.
Công tố viên này cũng cho biết đã đề nghị bắt giữ các thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas như Yahya Sinwar, Ismail Haniyeh và Mohammed Diab Ibrahim al-Masri hay Mohammed Deif (lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassem) vì nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Lệnh truy nã các chính trị gia Israel đánh dấu lần đầu tiên ICC nhắm vào lãnh đạo cấp cao của một đồng minh thân cận của Mỹ. Quyết định này đặt Thủ tướng Netanyahu vào nhóm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vì cuộc xung đột với Ukraine.
Một hội đồng thẩm phán ICC hiện sẽ xem xét đơn xin lệnh bắt giữ của ông Khan.
Theo New York Times, mặc dù yêu cầu này phải được các thẩm phán tòa án chấp thuận nhưng thông báo này là một đòn giáng mạnh vào ông Netanyahu và có thể sẽ gây ra sự chỉ trích quốc tế đối với chiến lược của Israel ở Gaza.
Hồi tháng trước, khi có thông tin rằng công tố viên trưởng ICC đang xem xét hành động này, Thủ tướng Netanyahu nói rằng không chấp nhận sự thái quá của cơ quan này, bất kỳ lệnh bắt giữ nào của ICC đối với các quan chức quân sự và chính phủ cấp cao của Israel “sẽ là một sự xúc phạm có quy mô lịch sử” và rằng “Israel có một hệ thống pháp luật độc lập để điều tra nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm pháp luật”.
Israel và Mỹ không phải là thành viên của ICC. Tuy nhiên, ICC tuyên bố có quyền tài phán đối với Gaza, Đông Jerusalem và Bờ Tây sau khi các nhà lãnh đạo Palestine chính thức đồng ý ràng buộc bởi các nguyên tắc thành lập của tòa án này vào năm 2015.
Cho tới nay, không có phản hồi ngay lập tức từ chính phủ Israel hoặc từ Phong trào Hamas. Israel không phải là thành viên của tòa án và không công nhận quyền tài phán của ICC ở Israel hoặc Gaza. Nhưng nếu lệnh được ban hành, những người có tên có thể bị bắt nếu họ đi đến một trong 124 quốc gia thành viên của tòa án, trong đó bao gồm hầu hết các nước châu Âu, ngoại trừ Mỹ.