Tòa án LHQ bắt đầu tuần điều trần về việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine
Các phiên điều trần kéo dài 6 ngày dự kiến sẽ đề cập đến các chính sách và hoạt động của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc, ngày 19/2 sẽ bắt đầu một tuần điều trần về hậu quả pháp lý của việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine, với việc đại diện từ trên 50 quốc gia sẽ trình bày trước các thẩm phán.
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki sẽ phát biểu đầu tiên trong quá trình tố tụng tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague.
Vào năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn hoặc không mang tính ràng buộc về hoạt động chiếm đóng của Israel.
Theo hãng tin Reuters, các phiên điều trần sẽ được tổ chức cho đến ngày 26/2, sau đó các thẩm phán dự kiến sẽ mất vài tháng để cân nhắc trước khi đưa ra ý kiến tư vấn.
Mặc dù Israel đã phớt lờ những ý kiến như vậy trong quá khứ, nhưng hành động này của tòa án LHQ có thể làm gia tăng áp lực chính trị đối với cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, cho đến nay đã khiến khoảng 29.000 người thiệt mạng kể từ ngày 7/10 – theo Cơ quan Y tế Gaza.
Trong số các quốc gia dự kiến tham gia phiên điều trần có Mỹ - nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Israel, Trung Quốc, Nga, Nam Phi và Ai Cập. Israel sẽ không làm tham gia, mặc dù họ đã gửi văn bản quan sát.
Các phiên điều trần là một phần trong nỗ lực của người Palestine nhằm yêu cầu các tổ chức pháp lý quốc tế kiểm tra hành vi của Israel, vốn đã trở nên cấp bách hơn kể từ vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas ở Israel khiến 1.200 người thiệt mạng, kéo theo phản ứng quân sự của Tel Aviv. Sự kiện này cũng được tổ chức trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về cuộc tấn công trên bộ của Israel nhằm vào thành phố Rafah của Gaza, nơi ẩn náu cuối cùng của hơn một triệu người Palestine sau khi họ chạy trốn về phía nam dải đất.
Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel đã chiếm được Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem - những khu vực thuộc lãnh thổ Palestine lịch sử mà người Palestine muốn thành lập một nhà nước. Nước này đã rút khỏi Gaza vào năm 2005, nhưng cùng với nước láng giềng Ai Cập, Israel vẫn kiểm soát biên giới Gaza.
Đây là lần thứ hai Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu ICJ cho ý kiến tư vấn liên quan đến lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Vào tháng 7/2004, ICJ cho rằng bức tường ngăn cách của Israel ở Bờ Tây đã vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải dỡ bỏ, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Các thẩm phán ICJ hiện đã được yêu cầu xem xét "sự chiếm đóng, định cư và sáp nhập ... của Israel, bao gồm các biện pháp nhằm thay đổi thành phần nhân khẩu học, đặc điểm và tình trạng của thành phố Jerusalem, cũng như việc nước này áp dụng các luật và biện pháp phân biệt đối xử liên quan”.
Kể từ năm 1967, Israel đã mở rộng đáng kể các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây - một hành động mà người Palestine cho rằng sẽ làm tổn hại đến việc thành lập một nhà nước Palestine. Israel cũng đã sáp nhập Đông Jerusalem trong một động thái không được hầu hết các nước công nhận.
Đại hội đồng LHQ cũng yêu cầu hội đồng 15 thẩm phán của ICJ tư vấn về cách các chính sách và thực tiễn đó "ảnh hưởng đến tình trạng pháp lý của vấn đề chiếm đóng" và những hậu quả pháp lý phát sinh đối với tất cả các quốc gia và LHQ từ tình trạng này.
Thủ tục lấy ý kiến tư vấn này tách biệt với vụ kiện diệt chủng mà Nam Phi đã đệ trình lên ICJ chống lại Israel với cáo buộc vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 ở Gaza. Vào cuối tháng 1 vừa qua, ICJ đã phán quyết yêu cầu Israel làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn hành vi diệt chủng ở Gaza.
Theo ICJ, kết quả của ý kiến tư vấn sẽ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng sẽ có "sức nặng pháp lý và thẩm quyền đạo đức lớn".
Trong khi đó, các nhóm nhân quyền coi phiên tòa tuần này ở The Hague là cơ hội bị trì hoãn từ lâu để giải quyết các câu hỏi về sự chiếm đóng của Israel, điều mà họ coi là các hành vi phân biệt đối xử vi phạm luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của người Palestine.