Tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết: Điềm gì đây?

Việc Tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết buộc cung cấp nguyên văn báo cáo Mueller có thể đưa đến một bước ngoặt quan trọng trong câu chuyện điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Chính quyền của ông Trump kiên quyết cự tuyệt cung cấp toàn văn báo cáo của ông Mueller cho quốc hội Mỹ. Biếm họa của Silvio Canto (Nguồn: Twitter).

Phán quyết của tòa án liên bang Mỹ buộc Bộ trưởng tư pháp nước này phải cung cấp cho quốc hội nguyên văn bản báo cáo của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller là thắng lợi mới của Đảng Dân chủ Mỹ trong chuyện tiến hành phế truất tổng thống đương nhiệm Donald Trump nói riêng và trong nỗ lực không để người này được tái đắc cử tổng thống vào năm tới nói chung.

Sau khi kết thúc công việc điều tra về những cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bàu cử tổng thống ở nước Mỹ năm 2016 và đã trợ giúp để ông Trump đánh bại ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Mueller đã gửi báo cáo cho bộ trưởng tư pháp Mỹ. Bộ tư pháp đầu tiên lại chỉ gửi đến quốc hội báo cáo tóm tắt nội dung của báo cáo này và sau đó mới gửi báo cáo của ông Mueller nhưng sau khi đã tẩy xóa và chỉnh sửa nội dung trong đó. Chính quyền của ông Trump kiên quyết cự tuyệt cung cấp toàn văn báo cáo của ông Mueller cho quốc hội Mỹ.

Xâu chuỗi và tương tác

Nếu những cáo buộc ông Trump và cộng sự là sự thật thì ở Mỹ tồn tại đủ lý do chính đáng để quốc hội tiến hành quy trình luận tội và phế truất ông Trump. Đảng Dân chủ cho tới thời điểm hiện tại đã không vì việc ông Mueller không minh oan cho ông Trump và cộng sự cũng chẳng khép tội họ mà tiến hành quy trình quốc hội luận tội và phế truất ông Trump.

Nhưng sau đó ông Trump lại dính lứu đến vụ bê bối mới có tên gọi là Ukraine, tạo cớ và dịp cho Đảng Dân chủ trong hạ viện quyết định để một số ủy ban của quốc hội tiến hành thu thập chứng cứ và tiến hành điều tra hướng tới mục tiêu là rồi đây để cho hạ viện quyết định có chính thức tiến hành quá trình luận tội và phế truất ông Trump hay không. Trong bối cảnh tình hình mới ấy, phán quyết nói trên của tòa án liên bang Mỹ khiến cho hai chuyện được xâu chuỗi với nhau và tương tác về cùng một hướng là chuyện quốc hội luận tội và phế truất ông Trump.

Ở nước Mỹ, tòa án liên bang hay tòa án tối cao có uy quyền rất lớn và sẽ là thể chế pháp quyền đưa ra phán quyết cuối cùng về tổng thống đương nhiệm bị phế truất hay không bị phế truất. Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ bị phế truất theo hiến pháp hiện hành ở Mỹ khi ít nhất hai phần ba trong tổng số 100 thành viên thượng viện đồng tình và quyết định này của thượng viện được tòa án tối cao thẩm định về tính hợp pháp, hợp hiến. Với những bố trí nhân sự thành viên mới cho tòa án này, ông Trump đã làm được việc kéo bè kết phái đủ để tòa này có những phán quyết có lợi cho cá nhân mình và cho Đảng Cộng hòa. Chính cơ cấu nhân sự thành viên hiện tại của tòa này là một trong những nguyên do chính khiến ở trong cũng như bên ngoài nước Mỹ chỉ có ít người tin rằng ông Trump sẽ bị phế truất.

Điềm lành hay dữ?

Cho nên câu hỏi được đặt ra ngay là phán xử mới nói trên của tòa án liên bang Mỹ là điềm gì đối với số phận chính trị của ông Trump. Không phải vụ bê bối của ông Trump liên quan đến Nga mà chuyện tai tiếng liên quan đến Ukraine hiện không chỉ nguy hiểm và rủi ro hơn cả đối với ông Trump mà còn kéo theo hai tác động là ông Trump không còn được ủng hộ và tin tưởng như trước nữa trong nội bộ Đảng Cộng hòa và phe Đảng Dân chủ như thể được khích lệ và tiếp sức để thêm quyết tâm và kiên định dồn bước trên con đường hướng tới mục tiêu là tiến hành quy trình quốc hội luận tội và phế truất ông Trump.

Phán quyết nói trên của tòa án liên bang Mỹ là động thái mới rất đáng được chú ý đến và là điềm bất lành nhiều hơn là điềm lành đối với ông Trump. Nó là diễn biến mà không loại trừ có thể đưa đến bước ngoặt quyết định trong chuyện này. Nó cho thấy ông Trump không kiểm soát được phía tư pháp ở Mỹ một cách hoàn toàn và tuyệt đối như dư luận có thể nghĩ hay đã tưởng. Nó rất có thể sẽ còn vừa tạo ra tiền lệ tư pháp bất lợi cho ông Trump vừa kích hoạt một dạng phản ứng dây chuyền cũng bất lợi nhiều hơn là có lợi trong Đảng Cộng hòa và từ phía Đảng Dân chủ.

Phía tư pháp càng có nhiều những phán xử bất lợi cho ông Trump thì Đảng Cộng hòa càng thêm cách biệt ông Trump. Phía tư pháp càng bắt buộc ông Trump và cộng sự phải hợp tác trong quá trình điều tra và thu thập chứng cứ thì phía Đảng Dân chủ càng được lợi đơn ích kép. Công chúng và dư luận ở Mỹ sẽ càng tin là ông Trump và cộng sự che dấu sự thật, dối lừa cử tri và cản trở chuyện điều tra mà tất cả đều chỉ rất bất lợi cho ông Trump. Trong mọi khía cạnh, nhân thế đã có câu "Sai một ly, đi một dặm". Đối với ông Trump bây giờ rất có thể còn ứng nghiệm cả câu này : "Chuyện nhỏ có thể hủy hoại cơ hội lớn và cầu vọng cao xa".

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/toa-an-lien-bang-my-ra-phan-quyet-diem-gi-day-103406.html