Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh nâng cao chất lượng tranh tụng
Thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới công tác chuyên môn, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh về nội dung này.
Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2019)
Phóng viên: Thưa bà, điểm mấu chốt trong thực hiện cải cách tư pháp được cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp xác định trong thời gian qua là gì?
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh: Cùng với việc tham gia hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai còn góp phần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, trong đó có tòa án nhân dân. Nổi bật là việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử về hình sự, dân sự cho cơ quan tòa án cấp huyện và mở rộng quyền xét xử của cơ quan tòa án với tất cả các vụ việc khiếu kiện hành chính thay vì bó hẹp trong 22 loại việc như trước đây.
Trong giải quyết các loại án, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai đã coi trọng việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, phán quyết của tòa án có căn cứ chủ yếu là kết quả tranh tụng tại phiên tòa dựa trên nền tảng các chứng cứ của vụ án. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử được xác định là khâu đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp. Trên thực tế, điều đó cũng góp phần hạn chế tỷ lệ các án bị sửa, bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán. Trong 15 năm qua, tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý, giải quyết gần 40 nghìn vụ việc các loại, trong đó án bị hủy chỉ chiếm 0,44%; án phải sửa tuy có cao hơn nhưng cũng chỉ chiếm 0,78%. Đặc biệt là không có án để quá hạn theo luật định, án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, trong khi số vụ việc được tổ chức hòa giải, đối thoại tăng, tỷ lệ đối thoại thành công luôn đạt mức trung bình hằng năm trên 60%. Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, cơ quan tòa án 2 cấp tỉnh Lào Cai đã thực hiện nghiêm các yêu cầu về thực hiện các phiên tòa điểm để rút kinh nghiệm, đến nay đã tổ chức được 120 phiên tòa như thế.
Phóng viên: Là cơ quan tư pháp có nhiều đặc thù, trong những năm qua, cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp đã đặt ra vấn đề này như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh: Đây cũng là một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 49. Những năm qua, cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, cán bộ có chức danh tư pháp được nêu cao quyền hạn và trách nhiệm pháp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực, trình độ chuyên môn, giáo dục về tư tưởng, chính trị, có bề dày kinh nghiệm và kiến thức xã hội phong phú, có phẩm chất đạo đức trong sáng. Từ năm 2005 đến nay, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai đã tuyển dụng 80 công chức thông qua thi tuyển công khai, minh bạch, đồng thời kiện toàn cán bộ có chức danh tư pháp.
Hiện cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Lào Cai có 136 biên chế, tăng 15 người so với năm 2005, trong đó có 52 thẩm phán, 55 thẩm tra viên, thư ký và 29 cán bộ thuộc các chức danh, vị trí công việc khác. Về trình độ, có 127 người có trình độ đại học trở lên (chiếm 93%) và đảm bảo chuẩn hóa các yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Phóng viên: Một trong những yêu cầu về cải cách tư pháp là đẩy mạnh giám sát của cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân với các cơ quan tư pháp. Với cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh, công tác này được thể hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh: Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai chịu sự giám sát trực tiếp của Đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Thông qua hoạt động xét xử, Hội thẩm nhân dân cũng là người đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hằng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đều có các đợt giám sát đối với các cơ quan tư pháp trong công tác chuyên môn cũng như việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Qua hoạt động giám sát đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế và giúp cho tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai kịp thời khắc phục những khuyết điểm. Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đều trả lời chất vấn của các cử tri về các hoạt động của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai.
Các hoạt động của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai như thủ tục khởi kiện, xin thăm gặp người nhà, sao lục bản án của tòa án …. đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử. Cổng điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai còn có mục hỏi đáp, công dân có thể đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực của tòa án và tòa án có trách nhiệm trả lời cho công dân đó biết. Các hoạt động của tòa án nhân dân được thông báo công khai đã giúp cho người dân tiếp cận được với tòa án một cách dễ dàng hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động của tòa án.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai còn thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử của tòa án nhân dân (tính đến ngày 30/8/2019 đã công bố 3.688 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp). Thông qua việc các bản án, quyết định được đăng tải sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân tiếp cận công lý, người dân sẽ được biết kết quả xét xử những vụ án nghiêm trọng, những vụ, việc nổi cộm của xã hội. Qua đó, người dân sẽ có những đóng góp, phản hồi thể hiện thái độ của dư luận đối với công tác xét xử của tòa án. Việc công khai bản án, quyết định cũng là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án, đặc biệt là thẩm phán. Đây là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Phóng viên: Để công tác cải cách tư pháp đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, theo bà cần tiếp tục có sự điều chỉnh nào?
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh: Để công tác cải cách tư pháp đạt kết quả cao hơn, điều rất cần là Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các cơ quan Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy định để các cơ quan tư pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng với đó là có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc cho cán bộ, các cơ quan tòa án nhân dân 2 cấp, đồng thời với việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ tòa án, nhất là các cơ quan thuộc huyện vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!