Tòa án Nhật Bản phán quyết lệnh cấm hôn nhân đồng giới không vi hiến
Tòa án quận ở Osaka ngày 20/6 đã ra phán quyết rằng việc Nhật Bản không cho phép hôn nhân đồng giới là 'hợp hiến', giáng đòn vào những người ủng hộ quyền LGBT+ tại đất nước.
Phán quyết này đi ngược lại phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án quận ở Sapporo vào năm ngoái, cho rằng việc không công nhận hôn nhân đồng giới là vi hiến, lập luận rằng điều này vi phạm Điều 14 của luật quy định "mọi người đều bình đẳng theo luật”.
Trong phán quyết ở Osaka, thẩm phán Fumi Doi lập luận rằng đất nước sẽ loại bỏ phân biệt đối xử và thành kiến bằng cách "thiết lập các hệ thống dựa trên những cuộc thảo luận không giới hạn trong quá trình thi hành dân chủ". Thẩm phán cũng nói rằng đất nước có thể đưa ra các hệ thống “tương tự hôn nhân” để công nhận sự kết hợp của người đồng giới, Nikkei Asia đưa tin
Tòa án lập luận rằng mục đích của hôn nhân là nhằm bảo vệ mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ để họ sinh con và nuôi dạy con cái. Lời lẽ này khác biệt lớn với phán quyết của tòa Sapporo, trong đó cho rằng hôn nhân cũng là để bảo vệ sự chung sống của mỗi cặp đôi.
Taijiro Ohata, luật sư bảo vệ hôn nhân đồng giới, nói với truyền thông sau phán quyết rằng “tòa án đã bỏ rơi vai trò của họ là một nhánh tư pháp”.
Machi Sakata, một trong những nguyên đơn tham gia khiếu nại, mô tả phán quyết này là một "sự thất vọng".
“Bình đẳng hôn nhân vẫn chưa được thảo luận kỹ lưỡng và đó là lý do chúng tôi muốn có một phán quyết của tòa án về vấn đề này. Đối với chúng tôi, tòa án (Osaka) dường như đã chạy trốn”, Sakata nói.
“Chúng tôi khá sốc. Tôi cảm thấy như chúng tôi đã tiến thêm 3 bước sau phán quyết của tòa Sapporo nhưng lùi 4 bước sau phán quyết mới”, Yu Shinohara, một người đồng tính nữ chia sẻ.
Giống như nhiều cặp đôi LGBT+ khác, cô cho biết mình cảm thấy bất an vì thiếu sự bảo vệ của pháp luật. Cô nêu ví dụ về việc các cặp đồng tính thường bị bệnh viện từ chối nhìn nhận họ là người thân của nhau khi cần ký kết các giấy tờ, thủ tục, vì mối quan hệ của họ không có ràng buộc về mặt pháp lý.
Điều này cũng khiến các cặp đồng tính không thể tiếp cận một số quyền hợp pháp như quyền nuôi con của người bạn đời, quyền thừa kế và quyền lợi về thuế.