Tòa án quận Long Biên bị tố 2 tháng không thụ lý đơn ly hôn, gây khó người dân
Chị L.T.M.T. (quê Hưng Yên) phản ánh vơívề việc Tòa án Nhân dân quận Long Biên (Hà Nội) 2 tháng không thụ lý đơn ly hôn, gây khó dễ cho người dân khi đến làm việc.
2 tháng không thụ lý đơn
Theo phản ánh của chị L.T.M.T. (SN 1991, quê Hưng Yên) gửi đến báo Kiến Thức, chị "tố" Tòa án Nhân dân quận Long Biên (TAND) quan liêu, 2 tháng không thụ lý đơn... để rộng đường dư luận, PV Kiến Thức đã vào cuộc xác minh, làm rõ.
Trao đổi với PV, chị T. trình bày: Chị có kết hôn với anh N.Q.Đ (SN 1987) vào năm 2015. Tuy nhiên, do cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, chị muốn ly hôn với chồng. Hai người có một con chung là cháu N.N.M (SN 2016).
Chị kể, ngày 2/8/2019, chị nộp đơn khởi kiện (về việc ly hôn với anh N.Q.Đ) cho TAND quận Long Biên thông qua bưu điện. Theo phản hồi của bưu điện, tòa đã nhận được đơn ngày 5/8/2019. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, chị T. không nhận được phản hồi nào của TAND quận Long Biên.
Ngày 4/9/2019, chị T. đã trực tiếp đến TAND quận Long Biên để hỏi việc xem xét giải quyết trường hợp ly hôn của mình. Tại buổi làm việc, chị T. được Thư ký Lưu Tuấn Long cho biết không thể giải quyết được đơn khởi kiện.
Lý do ông Long đưa ra là vì địa chỉ của bị đơn (tức anh Đ. - chồng chị T.) là địa chỉ nơi làm việc, không phải địa chỉ nơi cư trú.
Sau đó, ông Long có hẹn cả chị T. và anh Đ. có mặt vào sáng ngày 24/9, để xác nhận lại nơi cư trú của anh Đ. Đúng ngày 24/9, chị T. lại đến TAND quận Long Biên như lịch hẹn, nhưng Thư ký Lưu Tuấn Long vắng mặt.
Chiều ngày 26/9, chị T. lại đến tòa Long Biên. Lần này, người mẹ đơn thân gặp được Thư ký Lưu Tuấn Long và Thẩm phán Đặng Văn Ngọc.
Thư ký Long tiếp tục khẳng định TAND quận Long Biên không có thẩm quyền giải quyết đơn ly hôn, sẽ chỉ giải quyết đơn ly hôn đơn phương theo địa chỉ làm việc của bị đơn nếu được bị đơn đồng ý, đề nghị chị T. rút đơn ly hôn, chuyển sang nộp đơn tại Tòa án theo hộ khẩu thường trú của anh N.Q.Đ. Khi chị T. yêu cầu Thư ký Long phát công văn trả lời không giải quyết đơn ly hôn vì lý do “không có thẩm quyền” thì ông này từ chối.
"Vì tôi không có giấy tờ về sổ hộ khẩu thường trú nơi anh Đ. cư trú, đồng thời hiện tôi và anh Đ. đều đang làm việc tại Hà Nội nên tôi đã quyết định gửi đơn khởi kiện ly hôn tại TAND quận Long Biên thuộc khu vực nơi anh Đ. đang làm việc. Trong hồ sơ gửi TAND quận Long Biên, tôi đã nộp Giấy xác nhận của nơi anh Đ. làm việc.
Thế nhưng chờ mãi không thấy tòa gửi thông báo thụ lý, quá sốt ruột, tôi phải đến tòa án để hỏi về hồ sơ của mình. Nhiều lần đi đi lại lại, mỗi lần gặp 1 người thì họ lại trả lời 1 cách khác nhau. Chung quy lại, các cán bộ gây khó khăn trong việc thụ lý đơn" - chị L.T.M.T. nói.
Sau đó, TAND quận Long Biên ra quyết định số 58/TB - TA thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Công văn do Thẩm phán Ngọc ký yêu cầu chị T. bổ sung căn cứ chứng minh anh N.Q.Đ đang cư trú ở quận Long Biên, TP Hà Nội (có xác nhận của công an phường), có chứng minh thư, sổ hộ khẩu của anh N.Q.Đ.
Tiếp đến, ngày 31/9/2019, tòa án lại mời chị T. đến tòa làm việc và cho biết, đơn ly hôn không phải chị ký nên vẫn chưa thể thụ lý.
Theo chị T. hiện vợ chồng chị đã ly thân được 3 năm nay, một mình chị nuôi con nhỏ vô cùng vất vả và chỉ muốn được ly hôn để có bình yên.
"Đ. cố tình gây khó dễ, không ký vào đơn thuận tình ly hôn, không cung cấp bất kỳ giấy tờ gì và thách thức tối muốn làm gì thì làm" - người phụ nữ 28 tuổi nói trong bất lực.
Ngoài ra, chị T. và anh Đ. cùng quê Hưng Yên nhưng làm việc ở Hà Nội, nên chị T. nộp đơn theo địa chỉ làm việc của bị đơn. Bản thân chị đã đến nơi anh Đ. làm việc để xin xác nhận. Vì thế chị T. cho rằng, việc tòa yêu cầu bổ sung giấy tờ tùy thân của anh Đ. và nơi cư trú tại Long Biên khác nào đánh đố người mẹ đơn thân.
"Tôi thấy đây là điều không thể chấp nhận được. Bởi tôi đã nhiều lần xuất hiện ở tòa, xác nhận mình là nguyên đơn. Nội dung vụ việc tôi làm đơn. Nhưng không hiểu sao Thư ký Long lại cho rằng không phải chữ ký của tôi mà không thụ lý.
Theo đề nghị của Thư ký Long, tôi cần gửi đơn ly hôn của mình theo địa chỉ nơi cư trú của chồng tôi cách Hà Nội gần 70 km. Tuy nhiên, cả tôi và anh Đ. đều đang làm việc tại Hà Nội nên việc gửi đơn và hoàn tất các thủ tục tại nơi đây chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ thời gian lẫn công việc hiện tại của cả hai người. Việc giải thích không chính xác điều luật của Thư lý Long làm tôi cảm thấy giống như một sự trốn tránh trách nhiệm của cán bộ Nhà nước, gây khó dễ thay vì giúp đỡ, hỗ trợ công dân một cách tối đa" - chị T. bức xúc.
"Đó là dấu hiệu sách nhiễu, làm khó người dân"
Trao đổi với PV, luật gia Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm về vụ việc. Luật gia Hải nói: "Luật tố tung dân sự quy định rõ thời hạn trả lời, thông báo của tòa là 5 ngày. Việc liên lạc, thông báo, yêu cầu của tòa với đương sự được luật hướng dẫn là thông qua tống đạt dưới hình thức bằng văn bản. Luật không công nhận cách thức gọi điện cho đương sự là hình thức liên hệ mà tòa được phép.
Ngoài ra, khi đương sự có yêu cầu về một vấn đề dân sự, tòa phải ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý, yêu cầu bổ sung hoặc trả đơn khởi kiện đòi ly hôn hoặc chuyển hồ sơ cho tòa, hoặc hướng dẫn đương sự nộp đơn tại tòa có thẩm quyền nếu không đúng thẩm quyền chứ không phải là chờ đương sự lên tòa tìm rồi mới thông báo."
Luật gia Hải nhận định: "Điều này hoàn toàn có dấu hiệu của việc sách nhiễu, làm khó người dân, chưa kể cách xử sự đó hoàn toàn vượt quá chức năng, quyền hạn của tòa án, xâm phạm, làm mất đi một phần quyền của người dân khi có yêu cầu tại tòa."
Cũng theo luật gia Nguyễn Gia Hải, tại điều 191, Bộ luật TTDS có quy định về Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện. Cụ thể, đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có quyết định. Điều 39, bộ luật TTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Theo đó, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
TAND quận Long Biên nói gì?
Để làm rõ những thắc mắc của người dân, ngày 8/10/2019, PV đã đến làm việc với đại diện TAND quận Long Biên gồm bà Nguyễn Thị Nguyệt (Phó Chánh án TAND quận Long Biên), ông Đặng Văn Ngọc (Thẩm phán) cùng ông Lưu Tuấn Long, Thư ký tòa án.
Theo thẩm phán Đặng Văn Ngọc, ngày 16/8, ông mới nhận được đơn khởi kiện của chị L.T.M.T. Phía tòa án cũng sẽ kiểm tra lại bộ phận giao nhận đơn về việc thông báo nhận đơn. Hiện TAND quận Long Biên đang xem xét giải quyết đơn của chị T. theo đúng pháp luật.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ "Tòa án quận Long Biên bị tố 2 tháng không thụ lý đơn ly hôn, gây khó người dân".
Xem thêm: Cán bộ "sách nhiễu", hãy coi chừng!