Tòa án Tối cao Mỹ mang lại 'chiến thắng tư pháp' cho ông Donald Trump
Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ phán quyết trước đó của Tòa án Tối cao Colorado yêu cầu loại cựu Tổng thống Donald Trump ra khỏi cuộc bầu cử sơ bộ của bang này. Đây được coi là 'chiến thắng' quan trọng về mặt tư pháp đối với ông Donald Trump ngay trước thềm của sự kiện 'Siêu thứ ba' vô cùng quan trọng trong tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tư cách ứng cử viên của ông Trump được bảo đảm
Trong phán quyết đưa ra muộn ngày 4.3 theo giờ Mỹ (rạng sáng 5.3 giờ Việt Nam), toàn bộ 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ đều nhất trí rằng phán quyết của Tòa án Tối cao bang Colorado không có hiệu lực.
Tháng 12.2023, Tòa án Tối cao Colorado cho rằng, ông Trump không đủ tiêu chuẩn tham gia tranh cử theo Mục 3, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ vì đã tham gia vào cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6.1.2021.
Điều khoản mà Tòa án Colorado viện dẫn cấm cá nhân giữ vị trí trong chính quyền nếu họ từng tham gia "nổi dậy hoặc nổi loạn" sau khi đã tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, điều khoản trên chưa bao giờ được sử dụng để cấm một ứng viên tổng thống tranh cử.
Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ được đưa ra một ngày trước khi cả hai đảng bước vào ngày bầu cử sơ bộ Siêu thứ Ba (5.3, giờ Mỹ). Siêu thứ Ba được coi là ngày quan trọng nhất trong chiến dịch bầu cử sơ bộ khi 15 bang gồm Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, Bắc Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia và vùng lãnh thổ Samoa đồng loạt tiến hành bỏ phiếu.
Ông Trump ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao là một "chiến thắng lớn cho nước Mỹ". Bởi lẽ, với phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, tên ông Trump sẽ tiếp tục xuất hiện trên lá phiếu của các cuộc bầu cử sơ bộ trên khắp nước Mỹ trong bối cảnh nhiều bang khác cũng đang cân nhắc xóa tên ông Trump khỏi phiếu bầu sơ bộ.
Ông Trump trước đó cũng bị loại khỏi cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở Maine và Illinois cũng với lý do vi phạm điều khoản chống nổi loạn trong mục 3, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ. Nhưng những quyết định đó đã bị hoãn lại trong khi chờ phán quyết của Tòa án Tối cao về vụ kiện ở Colorado. Điều này có nghĩa là sau phán quyết ngày 4.3 của Tòa án Tối cao, hai bang trên giờ đây sẽ buộc phải đưa tên ông Trump trở lại danh sách ứng cử viên.
Hiện ông Trump là ứng viên sáng giá của Đảng Cộng hòa để thách thức Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5.11 tới đây. Đối thủ duy nhất còn lại của ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa là cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley.
Trong vụ tranh chấp ở Colorado, các thẩm phán đã đồng ý thụ lý vụ việc chỉ hai ngày sau khi Trump nộp đơn kháng cáo, các lập luận được tiến hành nhanh chóng và đưa ra ý kiến bằng văn bản chỉ trong hơn hai tháng. Như vậy, Tòa án Tối cao đã giải quyết tranh chấp về lá phiếu ở Colorado trong khoảng thời gian nhanh bất thường, trái ngược với việc xử lý chậm một vụ kiện khác liên quan đến cáo buộc hình sự nhằm vào ông Trump khi ông cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Phiên tòa xét xử Trump đã bị tạm dừng chờ kết quả quyết định của Tòa án Tối cao - một lợi ích cho ông khi vận động tranh cử tổng thống cùng với đối thủ Dân chủ Joe Biden.
Vụ việc ở Đồi Capitol “không phải bạo loạn”
Điều 3, Tu chính án số 14 của Mỹ có đoạn: Những ai với tư cách thành viên Quốc hội, hoặc một quan chức của Mỹ, hoặc thành viên cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào, đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Mỹ nhưng lại tham gia vào các cuộc nổi dậy hay nổi loạn chống lại Hiến pháp, sẽ không thể trở thành thượng nghị sĩ, dân biểu, đại cử tri để bầu tổng thống và phó tổng thống, hoặc phụ trách cơ quan dân sự hay quân sự của Mỹ hay một tiểu bang nào đó.
Trong nỗ lực ngăn cản Quốc hội công nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, những người ủng hộ ông Trump đã tấn công cảnh sát, vượt rào chắn và tràn vào Điện Capitol. Bản thân ông Trump sau đó đã có một bài phát biểu gây kích động trước những người ủng hộ, lặp lại những tuyên bố của ông về gian lận bầu cử và kêu gọi những người ủng hộ đến Điện Capitol và "chiến đấu như địa ngục". Sau đó, ông Trump đã từ chối những yêu cầu từ giới chức trách kêu gọi đám đông chấm dứt hành động phá hoại.
Tu chính án 14 đã được phê chuẩn sau cuộc Nội chiến 1861-1865, trong đó các bang miền Nam ly khai cho phép thực hành chế độ nô lệ đã nổi dậy chống lại chính phủ Hoa Kỳ.
Trong phán quyết chống lại Trump, Tòa án Tối cao Colorado đã trích dẫn "bầu không khí bạo lực chính trị chung mà Tổng thống Trump đã tạo ra"; rằng ông đã hỗ trợ "mục đích phi pháp của những kẻ nổi dậy nhằm ngăn chặn việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở quốc gia này”.
Sau khi thụ lý vụ kiện, Tòa án Tối cao tổ chức phiên điều trần để nghe ý kiến của các bên vào ngày 8.2. Luật sư của Trump khi đó lập luận rằng ông không phải sự điều chỉnh của điều khoản bởi ông không "quan chức của Hoa Kỳ" vì Tổng thống không phải là “quan chức”, và Hiến pháp quy định, Tổng thống phải do Quốc hội luận tội. Các luật sư cũng thừa nhận sự việc ngày 6.1 là đáng xấu hổ, tội ác và bạo lực nhưng không phải là “một cuộc nổi dậy”. Với phán quyết của mình, có vẻ như Tòa án Tối cao đã đồng ý với những lập luận này của phía ông Donald Trump.
Các đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích động thái loại bỏ ông khỏi phiếu bầu sơ bộ là can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi những người ủng hộ phán quyết của bang Colorado cho rằng, không ai có quyền đứng trên luật pháp và Hiến pháp, và ông Trump phải chịu trách nhiệm về mặt hiến pháp đối với một cuộc nổi dậy chống lại các giá trị dân chủ.