Tòa án trong 'cuộc chiến' với ma túy
Tội phạm và tệ nạn ma túy đã, đang thực sự trở thành hiểm họa lớn, nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời. Chính vì vậy, mỗi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm quyết liệt 'tiêu diệt' tội phạm ma túy, nhất là các cơ quan tư pháp.
Nâng cao ý thức phòng ngừa ma túy
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp Sóc Trăng đã “tiên phong” trong quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả từ nhiều phương diện. Theo đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TAND tỉnh, đơn vị xác định công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần phải kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm cao. Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134-KH/BCSĐ-TA, ngày 21/10/2019 để triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Để kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả thì “nội lực” phải “ổn”. Do vậy, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên hai cấp phải luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống ma túy. Trước hết, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Trong 5 năm qua, hai cấp không phát sinh trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; không có người thân (vợ, chồng, con) nghiện ma túy hoặc vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Với ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm, người thân của công chức hai cấp đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống ma túy tại địa phương.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc xử lý các tội phạm liên quan đến ma túy. Đồng thời, chú trọng phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy… Qua triển khai, giúp cho cán bộ, công chức là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có thể vận dụng linh hoạt trong hoạt động thực tiễn.
Không những vậy, TAND hai cấp còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Việc tuyên truyền chủ yếu gắn liền với quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền qua công tác xét xử, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, thông qua hoạt động của Trang thông tin điện tử của TAND tỉnh. Từ đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm của mọi người dân; tích cực tham gia hưởng ứng các đợt cao điểm về phòng, chống ma túy.
Quyết liệt đấu tranh, phòng chống ma túy
Những năm qua, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã chỉ đạo hai cấp thực hiện việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp đẩy nhanh tiến độ xét xử và xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự về ma túy. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại tòa, nhất là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đảm bảo kịp thời và đúng quy định pháp luật. Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 31/5/2024, hai cấp đã thụ lý sơ thẩm 816 vụ, 1.404 bị cáo (tăng 450 vụ, 962 bị cáo so với giai đoạn trước) và đã giải quyết 762 vụ, 1.290 bị cáo (tăng 405 vụ, 839 bị cáo). Hai cấp còn thụ lý 1.380 việc hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tăng 727 việc) và đã giải quyết 1.380 việc (tăng 727 việc); thụ lý 653 việc hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã giải quyết 100%.
Từ số liệu trên có thể nhận thấy, tội phạm ma túy gia tăng về số lượng và tính chất vụ án ngày càng phức tạp. Các tội phạm chủ yếu là hành vi tàng trữ, mua bán, tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; không phát sinh trường hợp trồng, tái trồng cây có chất ma túy. Đối tượng phạm tội về ma túy diễn ra ở đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, nhưng chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy với thành phần tập trung là các đối tượng không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định.
Nhìn lại 5 thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Thanh Vũ cho rằng, phòng, chống ma túy hiệu quả cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải đưa công tác này vào chương trình lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng loại đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống ma túy, phát huy truyền thống gia đình, giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh. Tập trung thực hiện trọng tâm vào hai nhóm giải pháp chính là: phòng ngừa, hỗ trợ và xử lý nghiêm, quyết liệt các tội phạm liên quan đến ma túy. Nâng cao vai trò của cộng đồng và các thiết chế xã hội trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường công tác đấu tranh, triệt xóa các vụ án, tụ điểm liên quan đến ma túy. Cần có mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy phù hợp, hiệu quả, xây dựng các chính sách, pháp luật hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng thông qua việc dạy nghề và tạo việc làm, mô hình sinh kế bền vững và các hỗ trợ xã hội khác cho người nghiện ma túy, tạo điều kiện cho họ có cơ hội có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái vi phạm tệ nạn ma túy. Quan tâm đầu tư nguồn lực bảo đảm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại địa phương.
Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ, chế tài nghiêm khắc đối với tội phạm về ma túy nhưng do lợi nhuận cao từ việc mua bán ma túy, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới khó kiểm soát. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm này, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội để góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy vào cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh.