Tòa án Trung Quốc phán quyết nội dung do AI tạo ra được bảo vệ bản quyền
Một tòa án ở Bắc Kinh phán quyết rằng, nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra được bảo vệ theo luật bản quyền. Phán quyết này trái ngược với quan điểm của cơ quan quản lý ở Mỹ và có lợi cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc.
Hồi đầu tuần trước, Tòa án internet Bắc Kinh ra phán quyết công nhận bản quyền của hình ảnh do AI tạo ra. Đây là lần đầu tiên có phán quyết như vậy ở Trung Quốc, nơi hàng hoạt công ty công nghệ đang chạy đua áp dụng AI để tạo sự sự chuyển đổi mạnh mẽ trong các ngành kinh doanh.
Phán quyết của tòa liên quan vụ kiện hồi tháng 5 của nguyên đơn họ Li, người sử dụng phần mềm AI Stable Diffusion để tạo ra hình ảnh của một cô gái trẻ, rồi đăng lên mạng xã hội Tiểu Hồng Thư (tương tự Instagram). Stable Diffusion là phần mềm chuyển hình ảnh thành văn bản do Công ty khởi nghiệp StabilityAI (Mỹ) phát triển.
Li kiện blogger họ Liu vì cho rằng người này sử dụng hình ảnh cô gái do anh tạo ra để đăng trên nền tảng chia sẻ nội dung Baijiahao mà không xin phép,
Tóa án Internet Bắc Kinh cho rằng, hình ảnh này nên được xem là “tác phẩm nghệ thuật” được bảo vệ theo luật bản quyền của Trung Quốc dựa trên “tính nguyên bản” và đầu vào trí tuệ của nhà sáng tạo con người (người sử dụng phần mềm AI). Tòa nhận định Li “đã đầu tư trí tuệ ở mức độ nhất định” trong việc lựa chọn văn bản gợi ý, thiết lập các thông số và thiết kế cách trình bày, cùng nhiều dữ liệu đầu vào khác nhau khi sử dụng phần mềm Stable Diffusion .
Tòa xem tính nguyên bản của hình ảnh nằm ở chỗ Li đã liên tục thêm lời nhắc và điều chỉnh các thông số để tạo ra một hình ảnh phản ánh “sự lựa chọn thẩm mỹ và đánh giá cá nhân”. Tòa yêu cầu Liu xin lỗi công khai đồng thời bồi thường cho nguyên đơn 500 nhân dân tệ (70 đô la Mỹ)
“Khuyến khích sáng tạo là mục đích thiết yếu của hệ thống bản quyền. Trong bối cảnh công nghệ (sự trỗi dậy của AI), miễn là hình ảnh do AI tạo ra phản ánh sự đầu tư trí tuệ ban đầu của con người, hình ảnh đó phải được coi là tác phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền”, tòa cho biết trong phán quyết.
Phán quyết này “đổ thêm dầu” vào những tranh cãi nảy lửa về việc liệu hình ảnh do AI tạo ra có được luật bản quyền bảo vệ hay không. Tòa án Internet Bắc Kinh lưu ý, các tranh chấp trong tương lai về sự thể hiện cá nhân của tác giả trong các hình ảnh do AI tạo ra phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.
“Bản quyền phải bảo vệ sự sáng tạo trí tuệ của con người. Nhưng trong trường hợp nội dung do AI tạo ra, con người chỉ đưa ra hướng dẫn, trong khi AI thực hiện việc sáng tạo thực sự”, luật sư về quyền sở hữu trí tuệ Qiao Wanli, đối tác cấp cao của hãng luật Zhejiang Zeda, bình luận.
Theo Wanli, phán quyết của Tòa án Internet Bắc Kinh có thể có ý nghĩa sâu rộng đối với các tranh chấp bản quyền AI trong tương lai, và có thể có lợi cho các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đang cung cấp các công cụ AI tạo hình ảnh tương tự như Stable Diffusion cho công chúng.
“Có một ngành công nghiệp AI trị giá hàng nghìn tỉ đô la đằng sau phán quyết 500 nhân dân tệ đó”, ông nói.
Phán quyết của Tòa án Internet Bắc Kinh cũng hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của một số cơ quan ngang hàng trên toàn cầu, bao gồm cả Văn phòng Bản quyền Mỹ (USCO).
Hồi tháng 2, USCO kết luận rằng những hình ảnh do AI tạo ra không được bảo vệ bản quyền vì những hình ảnh này “không phải là sản phẩm có quyền tác giả con người”. Quyết định đó của USCO đưa ra trong vụ việc liên quan đến truyện tranh Zarya of the Dawn, trong đó, tác giả Kristina Kashtanova đã sử dụng công cụ AI có tên gọi Midjourney để tạo ra một số hình ảnh trong truyện.
Trong tháng 8, Trung Quốc ban hành các quy định quản lý sớm nhất và chi tiết nhất trên thế giới đối với tất cả nhà cung cấp công cụ AI tạo dung, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Các quy định này yêu cầu áp dụng các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với nội dung do AI tạo ra. Tuy nhiên, giới chức trách cũng cam kết thực hiện các biện pháp hiệu quả để khuyến khích phát triển đổi mới AI tạo sinh.
Theo SCMP