Tòa cấp trên rút hồ sơ rồi... 'ngâm'?

Tòa cấp dưới sắp xử sơ thẩm lại, tòa cấp trên rút hồ sơ để xem xét giám đốc thẩm nhưng chín tháng qua không phản hồi gì cho tòa cấp dưới và đương sự về tiến độ xem xét hồ sơ…

Bà Lê Thị Như Lan và ông Nguyễn Văn Bảy kết hôn ở Việt Nam nhưng sinh sống ở Mỹ và tạo dựng được tài sản ở cả hai nước. Năm 2005 hai người ly hôn ở Mỹ và đã giải quyết một số tài sản ở Mỹ. Họ còn tài sản ở Việt Nam là hai căn nhà tại huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thì tòa án Mỹ chưa đề cập tới. Năm 2007, khi về Việt Nam, bà Lan đã khởi kiện ra TAND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công nhận hai căn nhà trên là tài sản chung của vợ chồng và phân chia theo pháp luật.

Rút hồ sơ nhưng không phản hồi

Thụ lý vụ kiện, TAND tỉnh Lâm Đồng xác định ông Bảy là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cháu của ông Bảy (người đang quản lý, sử dụng hai căn nhà trên) là bị đơn.

Bà Lan cho rằng Tòa Dân sự TAND Tối cao đã “ngâm” hồ sơ vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà. Ảnh: T.TÙNG

Bà Lan cho rằng Tòa Dân sự TAND Tối cao đã “ngâm” hồ sơ vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà. Ảnh: T.TÙNG

Quá trình giải quyết tranh chấp của tòa kéo dài nhiều năm do các đương sự thường trú ở Mỹ, mặt khác một số người liên quan không hợp tác với tòa. Sau khi bà Lan có nhiều đơn khiếu nại thì tháng 11-2012, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên xử sơ thẩm. Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan, giao căn nhà tại TP Đà Lạt cho bà sở hữu nhưng bà phải trả cho ông Bảy hơn 1 tỉ đồng. Tòa buộc cháu ông Bảy và những người đang ở trong nhà này phải bàn giao lại nhà cho bà Lan trong vòng sáu tháng kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Về căn nhà tại huyện Đơn Dương, tòa giao quyền sở hữu cho cháu ông Bảy và buộc người này phải trả lại cho bà Lan gần 200 triệu đồng.

Do các đương sự kháng cáo nên tháng 5-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm. Tòa tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định: Trong khi bản án ly hôn của tòa án Mỹ chưa được công nhận tại Việt Nam mà cấp sơ thẩm mặc nhiên cho rằng hai bên đã ly hôn để chia tài sản theo Luật Hôn nhân và Gia đình là sai.

Thụ lý lại, TAND tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai thì ngày 11-9-2013, Tòa Dân sự TAND Tối cao có công văn đề nghị tòa tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ lên để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Do vậy, TAND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giải quyết của Tòa Dân sự.

Từ đó đến nay đã hơn chín tháng trôi qua nhưng Tòa Dân sự không phản hồi gì cho tòa cấp dưới và các đương sự về tiến độ xem xét hồ sơ. Theo bà Lan, bà đã gửi rất nhiều đơn khiếu nại đến chánh án TAND Tối cao, chánh Tòa Dân sự và các cơ quan tư pháp của Quốc hội yêu cầu sớm trả lời xem có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm hay không nhưng không ai hồi âm. “Quyền lợi hợp pháp của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì từ khi phát sinh tranh chấp đến nay, hai ngôi nhà vẫn do cháu ông Bảy quản lý, cho thuê” - bà Lan ấm ức.

Lỗ hổng của luật

Vụ việc trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Theo quy định, trường hợp tòa cấp trên rút hồ sơ lên để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì thời gian xem xét là bao lâu?

TS Nguyễn Văn Tiến (khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết theo khoản 2 Điều 19 Luật Tổ chức TAND và Điều 18 BLTTDS thì việc Tòa Dân sự TAND Tối cao lấy hồ sơ vụ án lên để nghiên cứu, xem xét là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, luật lại không quy định thời gian xem xét là bao lâu và trường hợp nào Tòa Dân sự phải trả lời, trường hợp nào không cần trả lời cho đương sự và tòa cấp dưới. Điều 369 BLTTDS chỉ quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến việc đương sự yêu cầu giám đốc thẩm nên không áp dụng trong trường hợp này.

Theo TS Tiến, đây là một lỗ hổng mà pháp luật cần khắc phục. Ông cho rằng cần có quy định cụ thể về thời hạn xem xét của tòa cấp trên cũng như thời hạn thông báo, trả lời đương sự và tòa cấp dưới. Việc này là cần thiết để tránh chuyện “ngâm” hồ sơ làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, gây thiệt hại cho các bên đương sự. “Luật quy định giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Nếu tòa cấp trên lấy hồ sơ lên và thấy rằng không có cơ sở giám đốc thẩm thì phải phản hồi ngay để các bên liên quan tránh bị động. Nếu có cơ sở kháng nghị nhưng do vụ án quá phức tạp hoặc vướng cái này, cái khác thì cũng phải thông báo để tìm cách giải quyết. Đằng này, việc “ngâm” hồ sơ gần năm trời sẽ không tránh khỏi những hoài nghi, thắc mắc liên quan đến sự khách quan và thiếu minh bạch” - TS Tiến nói.

Ở góc nhìn khác, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét trong trường hợp này, tòa cấp trên không cần phải xem xét kháng nghị giám đốc thẩm dù luật cho phép. Bởi trên thực tế, bản án phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại, tức quá trình tố tụng quay trở lại từ đầu. Nếu tòa cấp trên có giám đốc thẩm và hủy án thì cũng giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu. Như vậy thủ tục giám đốc thẩm không phát huy được tác dụng lại gây mất thời gian, phiền hà cho quá trình giải quyết án.

THANH TÙNG

Cần có hướng dẫn

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Thực tế vẫn có những vụ án mà tòa cấp trên rút hồ sơ lên nghiên cứu rồi quên luôn khiến cả tòa cấp dưới lẫn đương sự phải mòn mỏi chờ đợi. Do đó theo tôi, khi luật chưa được sửa đổi, bổ sung thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để ổn định hoạt động xét xử, tránh việc lạm dụng.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat-chu-nhat/toa-cap-tren-rut-ho-so-roi-ngam-477049.html