Tòa chấp nhận hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu của Sơn Tùng M-TP

Hội đồng phiên họp TAND TP.HCM đã tuyên chấp nhận yêu cầu của Công ty M-TP Talent và tuyên hủy phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - chi nhánh TP.HCM.

Ngày 15-8, TAND TP.HCM mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo yêu cầu của Công ty cổ phần M-TP Talent (gọi tắt là Công ty M-TP Talent).

Công ty M-TP Talent do ông Nguyễn Thanh Tùng (nghệ danh Sơn Tùng M-TP) làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc là Công ty TAD Global Việt Nam (gọi tắt là Công ty TAD).

Tại phiên họp, phía Công ty M-TP Talent cho rằng hội đồng trọng tài đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản, không tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, đề nghị hội đồng phiên họp hủy phán quyết trọng tài.

Ngược lại, phía Công ty TAD trình bày một số vấn đề chứng minh phán quyết trọng tài là phù hợp và đề nghị tòa bác yêu cầu của Công ty M-TP Talent.

 Ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Ảnh: NH

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Ảnh: NH

Đại diện VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm và cho rằng phán quyết trọng tài là phù hợp, không cảm tính; đề nghị hội đồng phiên họp bác yêu cầu của Công ty M-TP Talent.

Sau khi nghị án, Hội đồng phiên họp xét thấy nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong hoạt động thương mại được quy định tại Điều 11 Luật Thương mại năm 2005; và nguyên tắc tự do thỏa thuận và tôn trọng ý chí của các bên trong giao dịch dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nhưng các nguyên tắc này đã không được Hội đồng trọng tài áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Đồng thời, khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài không bình đẳng khi đánh giá chứng cứ là vi phạm nguyên tắc mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng; không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử khi giải quyết tranh chấp. Hội đồng trọng tài đã bỏ qua các thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà công nhận niềm tin chính đáng của Công ty TAD khi giải quyết tranh chấp là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, Hội đồng phiên họp xét thấy có căn cứ chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết của Công ty M-TP Talent, hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp 164/23 ngày 19-4-2024 của VIAC theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Người đại diện ủy quyền cho Công ty TAD cho biết đã mất nhiều thời gian theo đuổi vụ việc. Công ty TAD sẽ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để khởi kiện Công ty M-TP Talent ra TAND quận 7.

 Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TAD lên đứng cạnh bàn thư ký để nghe phán quyết do trời mưa lớn. Ảnh: HD

Phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TAD lên đứng cạnh bàn thư ký để nghe phán quyết do trời mưa lớn. Ảnh: HD

Theo nội dung vụ việc, ngày 31-3-2022, Công ty TAD ký kết hợp đồng hơn 25 tỉ đồng, thời hạn 1 năm để cung cấp dịch vụ và cấp quyền sử dụng hình ảnh với Công ty M-TP Talent. Ca sĩ Sơn Tùng M-TP tham gia sản xuất tạo ra các nội dung kỹ thuật số và sử dụng nội dung này trên nền tảng vũ trụ ảo RACA.

Thời gian đầu, các bên triển khai các công việc theo đúng hợp đồng. Đến tháng 5-2022, Sơn Tùng M-TP bị xử phạt hành chính liên quan đến MV There’s no one at all.

Công ty TAD cho rằng đây là một scandal ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh nên không muốn thực hiện các hạng mục công việc tiếp theo bao gồm 1 buổi ghi hình và thu âm phi quảng cáo, đăng bài trên mạng xã hội giá trị 6,2 tỉ đồng.

Hai bên đã trao đổi với nhau và gia hạn hợp đồng đến hết ngày 31-7-2023 thay vì sẽ hết hạn vào ngày 30-4-2023.

Đến tháng 6-2023, M-TP Talent từ chối thực hiện với lý do hợp đồng đã hết hạn. Các email gia hạn hợp đồng trước đó chỉ là thiện chí của công ty này, không phải nghĩa vụ hợp đồng.

Theo phán quyết trọng tài, chấp nhận 80% yêu cầu của nguyên đơn. Công ty M-TP Talent phải trả cho Công ty TAD là gần 6 tỉ đồng.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/toa-chap-nhan-huy-phan-quyet-trong-tai-theo-yeu-cau-cua-son-tung-m-tp-post805361.html