Tòa có được xét xử vắng mặt bị đơn?

Hỏi: Tháng 8-2010, TAND quận xét xử vụ ly hôn của vợ chồng tôi, trong đó tôi là bị đơn. Tuy nhiên, tôi không tham gia phiên tòa vì không nhận được thư triệu tập của tòa, dù hộ khẩu và nơi ở của nguyên đơn và bị đơn cùng một địa chỉ. Bản án sơ thẩm ghi xét xử vắng mặt bị đơn (tức tôi). Như vậy việc xét xử vắng mặt bị đơn có đúng pháp luật không? Trong trường hợp nào thẩm phán được quyền xét xử ly hôn vắng mặt nguyên đơn hoặc bị đơn?_L.T.T.H (quận Tân Phú - TPHCM)

- Luật sư Ngô Đình Hoàng trả lời: Điều 200 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định về sự có mặt của bị đơn tại phiên tòa như sau:

“1. Bị đơn phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.

Điều 152 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định về thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân như sau:

“1. Người được cấp, tống đạt hoặc thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ.

2. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ văn bản tố tụng thì có thể chuyển giao văn bản đó cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố), UBND, công an xã, phường, thị trấn nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo cư trú và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

3. Trong trường hợp việc cấp, tống đạt hoặc thông báo qua người khác thì người thực hiện phải lập biên bản ghi rõ việc người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt, văn bản tố tụng đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa họ với nhau; cam kết giao lại tận tay ngay văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển văn bản tố tụng và người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo, người chứng kiến.

4. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải cấp, tống đạt hoặc thông báo theo địa chỉ mới của họ.

5. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo có chữ ký của người cung cấp thông tin.

6. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản, trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, UBND, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng”.

Vậy ông (bà) có thể đối chiếu với những quy định của pháp luật viện dẫn nêu trên để xem xét việc tòa án xét xử vắng mặt bị đơn trong vụ án ly hôn của ông (bà) là đúng pháp luật hay không.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100925123026206p0c1019/toa-co-duoc-xet-xu-vang-mat-bi-don.htm