Tọa đàm chuyên gia về đất văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch

Chiều 20.2, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến đất văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch.

Một số nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao phối hợp tham gia thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các vấn đề thuộc Ủy ban phụ trách. Cùng với tọa đàm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến nhân dân và chuyên gia về dự thảo Luật này liên quan đến đến đất văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch. Đồng thời, Ủy ban cũng có kế hoạch làm việc với các địa phương và bộ, ngành về nội dung này để làm cơ sở hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại tọa đàm

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại tọa đàm

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy ban đã xây dựng báo cáo dựa trên tổng hợp ý kiến của các cơ quan chuyên môn liên quan, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ, một số địa phương và ý kiến, tham luận của nhiều chuyên gia, thể hiện cụ thể trong báo cáo khảo sát của Ủy ban và báo cáo tham gia thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư.

Tới nay, một số nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh sửa phù hợp với đề xuất của Ủy ban. Trong đó có Khoản 3 Điều 121 về chuyển mục đích sử dụng đất quy định; Khoản 2, Điều 202 về đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác; Điều 152 đã tách riêng điểm d, khoản 1 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập, bảo đảm chính sách ưu đãi về đất đai để xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao thống nhất với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này, không hạn chế khu vực ưu đãi đầu tư như dự thảo trước đây…

Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến, làm việc với các cơ quan và địa phương, Thường trực Ủy ban cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết. Cụ thể, vấn đề quy hoạch đất di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, về quy hoạch đất tôn giáo, tín ngưỡng; vấn đề đấu giá, đấu thầu đất đai để xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất đối với đất xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo, xây dựng các dự án phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, xây dựng các công trình thể dục, thể thao mà nguồn vốn đầu tư không phải từ ngân sách nhà nước; chế độ quản lý, sử dụng đất đa mục đích...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng còn nhiều vấn đề thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng còn nhiều vấn đề thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

“Chúng tôi tiếp cận dự thảo Luật này từ quan điểm, chủ trương phát triển của ngành, lĩnh vực, đối tượng mà Ủy ban phụ trách để tham gia, góp ý với Ban soạn thảo với mong muốn khi Luật được ban hành sẽ có tính khả thi cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực liên quan, cũng góp phần giúp cho công tác quản lý đất đai - một nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt nhất của đất nước” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa chia sẻ.

Tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp

Thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia góp ý trực tiếp vào các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng các loại đất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, thể thao, du lịch, đất sử dụng đa mục đích liên quan đến văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, còn có các quy định liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch, chế độ tài chính, việc giao đất, thu hồi đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất nêu trên…

Tọa đàm nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia

Tọa đàm nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia

Mong muốn dự thảo Luật đổi mới và khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, tại tọa đàm, các chuyên gia quan tâm thảo luận nhiều vấn đề: quy định về quy hoạch đất, chuyển mục đích sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; quản lý, sử dụng đất đa mục đích liên quan đến cơ sở giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, đất tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở du lịch…

Có ý kiến nhận xét, chưa có sự thống nhất về nguyên tắc ưu đãi đất đai giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật chuyên ngành như Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Điện ảnh; Luật Thể dục, thể thao; Luật Du lịch…

Đại diện cơ quan soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Bình ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại tọa đàm và cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kế thừa các Luật trước và cố gắng sửa đổi cho phù hợp với thực tế, thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống. Các góp ý tại tọa đàm sẽ được nghiên cứu, cố gắng thể hiện tối đa trong dự thảo Luật để phát huy giá trị của đất đai, của các lĩnh vực, thỏa mãn nhu cầu của xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết Ủy ban mong muốn tiếp tục nhận được đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết Ủy ban mong muốn tiếp tục nhận được đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến tại tọa đàm, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu những vấn đề đặt ra một cách thấu đáo, và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia để có cách tiếp cận, xử lý hợp lý nhất liên quan đến đất đai trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai và tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực.

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/toa-dam-chuyen-gia-ve-dat-van-hoa-giao-duc-the-thao-du-lich-i316512/