Tọa đàm Giải pháp nâng cao công tác quản lý, chăm sóc quýt huyện Mường Khương
Ngày 30/10, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp nâng cao công tác quản lý, chăm sóc quýt huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai năm 2024'
Dự tọa đàm có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Mường Khương; chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ăn quả có múi, Viện Khoa học Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ quýt trên địa bàn; một số hộ trồng cây ăn quả ôn đới huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và thị xã Sa Pa.
Tại Mường Khương, cây quýt được trồng tại thị trấn Mường Khương và các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, với tổng diện tích 815 ha. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 656 ha.
Đây là loại cây đặc sản của huyện có giá trị kinh tế cao, với năng suất và giá bán như hiện nay (trung bình 20.000 – 30.000 đồng/kg), mỗi ha quýt mang lại cho người dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Năm 2017, quả quýt Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, là sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp huyện.
Tuy nhiên, việc phát triển cây quýt trên địa bàn còn gặp một số khó khăn do hiện nay chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm; quả quýt Mường Khương chất lượng tốt nhưng giá trị gia tăng chưa cao, chưa tiếp cận được các chuỗi phân phối quy mô lớn; tình trạng mạo danh sử dụng nhãn hiệu Quýt Mường Khương bán trên thị trường, đặc biệt trên các mạng xã hội...
Tại buổi tọa đàm, các hộ dân đã nêu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ quả quýt; cách thức chăm sóc vườn quýt; chất lượng và giá bán; thực tế sản xuất; nhu cầu hộ dân trong tiếp cận và sử dụng phân bón, vật tư chăm sóc vườn quýt.
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ăn quả có múi, Viện Khoa học Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã thông tin, chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, trừ bệnh cho cây quýt.
Lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Mường Khương đã thông tin các cơ chế, chính sách về sản xuất, xúc tiến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quản lý nhà nước về giống, vật tư, phân bón.
Thông qua buổi tọa đàm góp phần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương; đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng quýt, tiến tới phát triển vùng trồng quýt Mường Khương chất lượng cao, bền vững.
Trước đó, đại biểu đã tham quan mô hình sản xuất quýt và trao đổi về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên cây quýt an toàn, hiệu quả.