Tọa đàm 'Hành trình văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng'
Ngày 12-6, Báo Công an nhân dân (CAND) phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức tọa đàm với chủ để 'Hành trình văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng'.
Tham dự buổi tọa đàm có Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng Biên tập Báo CAND và các khách mời: Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật giao thông, Cục CSGT; ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp.
Phát biểu khai mạc, Đại tá Phạm Quang Khải khẳng định, văn hóa giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Việc xây dựng văn hóa giao thông là mục tiêu cao nhất của lực lượng CSGT nói riêng, CAND nói chung, bên cạnh kéo giảm ùn tắc và TNGT trên cả 3 tiêu chí. Những thông tin khách mời tại buổi Tọa đàm sẽ góp phần cung cấp cho độc giả những góc nhìn đa chiều, bức tranh toàn cảnh về tình hình giao thông Việt Nam hiện nay, cũng như làm thế nào để xây dựng một văn hóa giao thông cá nhân và cộng đồng bền vững, trách nhiệm, hiệu quả…
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, văn hóa giao thông là sự hình thành trong quá trình tham gia của người dân, nó có vai trò hết sức quan trọng đảm bảo ATGT. Vừa qua, Cục CSGT đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra kiểm soát phương tiện. Chỉ sau hơn 20 ngày triển khai, đã có 357.975 phương tiện vi phạm bị CSGT xử lý; tước 23.979 trường hợp giấy phép lái xe; tạm giữ hàng chục nghìn phương tiện; vi phạm tốc độ gần 30.000 trường hợp; mũ bảo hiểm hơn 60.000; đèn hơn 10.000 trường hợp; đăng ký xe giả, tẩy xóa với hơn 44.000 trường hợp; 18.022 vi phạm nồng độ cồn; 234 lái xe dương tính với ma túy; trung bình một ngày có khoảng gần 600 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị CSGT xử lý.
Thực tế thì lực lượng CSGT phải sử dụng nhiều biện pháp để phát hiện các vi phạm, ví dụ như dừng xe để phát hiện trực tiếp hay phát hiện qua hệ thống giám sát. Tuy nhiên, có một số loại vi phạm phải dừng phương tiện mới có thể kiểm tra được, như nồng độ cồn, ma túy, biển số xe giả... Qua đợt kiểm tra này thì chúng tôi nhận thấy rằng ý thức của người dân đã được nâng lên, các trường hợp vi phạm giảm đi trông thấy. Đặc biệt, người dân rất đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT làm cương quyết.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những thông tin và đặc biệt bàn giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhằm xây dựng văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng. Nhiều băn khoăn, thắc mắc của các độc giả cũng được đại diện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, UBATGT Quốc gia giải đáp, chia sẻ. Nhiều biện pháp đảm bảo TTATGT cũng như kiến nghị đề xuất của các cơ quan chức năng nhằm xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, cá nhân lái xe cũng được đưa ra...