Tọa đàm khoa học 'Đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền'
Triển khai Đề tài nghiên cứu 'Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước về đào tạo công chức, nhất là lãnh đạo, quản lý đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế' của Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, chiều 23-6, tại Hà Nội, Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học 'Đào tạo, bồi dưỡng công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền'.
PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương và PGS, TS. Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu là đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhấn mạnh: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một đòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu hội nhập trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Xu hướng toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh và điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ở nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém đặc biệt về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của BCH Trung ương khóa XII đã đề ra những mục tiêu về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đến năm 2030 đối với từng nhóm cán bộ. Để đạt được mục tiêu này, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng những nội dung về nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên.
Theo đồng chí Vũ Thanh Sơn, mục đích của Tọa đàm nhằm nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới về đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Kết quả buổi Tọa đàm góp phần tham mưu cho Trung ương xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ phẩm chất, năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế.
Trao đổi tại Tọa đàm, TS. Trần Thanh Tùng, Giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực I đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng phần nào yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Theo TS. Trần Thanh Tùng, cao cấp LLCT là một trong những hệ đào tạo lý luận cao nhất đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng tổng thể và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, công tác đào tạo cao cấp LLCT chưa tiệm cận được với yêu cầu đào tạo cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Để công tác đào tạo cao cấp LLCT ngày càng hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu mới của thực tiễn, tiệm cận đến trình độ và có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, TS. Trần Thanh Tùng đề xuất 5 giải pháp: Một là, nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế tích hợp với quy định 57-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo LLCT. Hai là, xem xét sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bởi xây dựng chương trình đào tạo cao cấp LLCT cần phải thành lập hội đồng độc lập, có nhiệm vụ xây dựng khung chương trình cao cấp LLCT kết hợp giữa kiến thức lý luận với tri thức quản trị quốc gia và các tri thức, kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu mới, cần phải có tham vấn các chuyên gia nhiều lĩnh vực. Ba là, cần phải có quy định chuẩn hóa về khung năng lực về tiêu chuẩn, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế, trên cơ sở khung năng lực này sẽ tích hợp trong nôi dung chương trình đào tạo cao cấp LLCT. Bốn là, thiết kế lại 6 chuyên đề ngoại khóa trong chương trình đào tạo cao cấp LLCT, thống nhất và đưa những vấn đề về tác phong, giao tiếp, ứng xử và phương pháp làm việc trong môi trường quốc tế… thay thế cho các chuyên đề mang tính chuyên môn. Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và có chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy hệ cao cấp LLCT...
Với tham luận “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, TS. Nguyễn Văn Tuân, Viện Khoa học tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra những luận điểm làm rõ vấn đề vì sao phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong tình hình mới. Qua đó khẳng định: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là rất cần thiết để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và toàn cầu. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức cần tiến hành một số giải pháp: Thực hiện tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; Phát huy vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức trong tự rèn luyện đạo đức và năng lực trình độ; Phát huy tối đa các nguồn lực tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt; Tích cực, chủ động trong phát triển và ứng dụng công nghệ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và chủ động hợp tác với các đối tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Theo TS. Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương: Mỗi quốc gia đều có những kinh nghiệm khác nhau trong thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng công chức. Việc nghiên cứu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm là để tối ưu cách làm, phương pháp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam. Từ việc xem xét, đánh giá tổng thể kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan và Thụy Điển trong việc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức khi quá trình hội nhập quốc tế ngày một mở rộng, TS. Lê Việt Trung đã nêu một số kinh nghiệm, đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế ở Việt Nam.
Đó là, cần có nguyên tắc, triết lý cũng như định hướng tổng thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ở Việt Nam. Cần xây dựng khung năng lực về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với các công chức và có cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên để có các chương trình đào tạo phù hợp, nhằm đảm bảo việc trau dồi và bổ sung các năng lực cần có đáp ứng với sự thay đổi, vận động ngày càng nhanh và phức tạp của thế giới. Bên cạnh đó cần xây dựng các năng lực chung như ngoại ngữ, luật, hiểu biết văn hóa, chính trị quốc tế, năng lực số cũng như kỹ năng đàm phán và các năng lực chuyên biệt theo vị trí công việc. Khuyến khích luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu chức danh để có chiến lược, lộ trình đào tạo rõ ràng thông qua thực tiễn ở nhiều lĩnh vực, nhiều nơi. Đổi mới cách thức và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng cập nhật, hiện đại, chú trọng tính thực hành và phù hợp với vị trí công tác. Chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo hội nhập nói chung. Các nhu cầu đào tạo hội nhập cần được nghiên cứu bởi các chuyên gia trong khoảng thời gian đầu, nhưng khoảng thời gian sau các nhu cầu đào tạo hội nhập cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và độc lập bởi các cơ quan, tổ chức của cán bộ, công viên chức…
Trao đổi tại Tọa đàm, PGS, TS. Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đãgiới thiệu về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp cao của Cộng hòa Pháp, qua đó góp phần bổ sung kinh nghiệm đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam. Đồng chí cho rằng, song song với việc tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế, cần tổ chức nghiên cứu, rà soát đánh giá toàn diện thực tế tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị trong thời gian qua. Kết quả của các nghiên cứu đánh giá thực tế như vậy sẽ rất có giá trị trong việc rút ra những bài học quý về đẩy mạnh kế thừa kinh nghiệm quốc tế một cách hiệu quả, đồng thời cũng cung cấp thêm bằng chứng thực tiễn để Việt Nam có thể giới thiệu, trao đổi và đóng góp cho thế giới những bài học kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực hoạt động rất quan trọng này.
Các tham luận gửi đến Tọa đàm đã đóng góp những vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức hiện nay. Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, các tham luận cũng đóng góp những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế trong tình hình mới.
Từ các phát biểu, tham luận tại Tọa đàm, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương đã kết luận tại Tọa đàm với 7 vấn đề cần trọng tâm nghiên cứu: Một là, cần phải có khung năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong môi trường quốc tế. Khung năng lực có thể chia thành nhiều cấp độ như: cán bộ cấp chiến lược; cấp trung và cao cấp; cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý Nhà nước. Từ khung năng lực sẽ giải quyết được những vấn đề tiếp theo. Hai là, từ khung năng lực nghiên cứu xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng cấp độ của cán bộ, công chức. Trong đó chú ý đến yếu tố tự học, tự nghiên cứu, tự đào tạo của cán bộ, công chức. Ba là, từng loại khung chương trình, nội dung đó phải có hội đồng quốc gia để đánh giá. Thành viên hội đồng là những chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực, chuyên gia đầu ngành để thẩm định, đánh giá, làm sao để nội dung đào tạo, bồi dưỡng vừa có lý luận vừa gắn với thực tiễn thì mới phát huy hiệu quả. Bốn là, phải có đội ngũ giảng viên chất lượng. Phải mời các chuyên gia, những cán bộ lãnh đạo, quản lý đang giữ chức vụ, những người làm việc trực tiếp… đến tham gia giảng dạy ở các học viện, nhà trường. Năm là, phải có cơ sở đào tạo. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà đã căn dặn “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học”. Sáu là, có cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức sau đào đào tạo, bồi dưỡng. Bảy là, cần học tập kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu một cách có chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp để vận dụng với thực tiễn Việt Nam.