Tọa đàm khoa học về Lán đóng quân đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
Chiều 22-11, Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) chủ trì phối hợp cùng Quân khu 1 và tỉnh Cao Bằng tổ chức Tọa đàm khoa học về Lán đóng quân đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Dự hội nghị có Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó tư lệnh Quân khu 1; đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự chủ trì tọa đàm.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Lán đóng quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được coi là “doanh trại đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Tại tọa đàm, Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự báo cáo kết quả quá trình thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng, khảo sát thực địa về Lán đóng quân đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Các ý kiến tại tọa đàm đã khẳng định vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của lán đóng quân đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, những đóng góp và chiến công to lớn của của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong giai đoạn đầu mới thành lập. Các ý kiến cũng bổ sung, cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học về số lượng, vị trí, vật liệu, kiểu cách và hình dáng lán đóng quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân...
Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên đồng tình, thống nhất với các ý kiến tham luận. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh, do điều kiện khách quan, thông tin về lán đóng quân đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không được ghi chép, lưu giữ một cách đầy đủ; những đội viên trong ngày đầu thành lập Đội nay đã không còn. Đây là khó khăn lớn cho quá trình tìm kiếm, thu thập, xác minh thông tin về hiện vật lịch sử này. Do đó, những ý kiến, tham luận tại tọa đàm là cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu, đồng thời quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị lịch sử của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tương lai.
*Trước đó, sáng 22-11, các đại biểu đã tới dâng hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; thăm nhà bia trung tâm nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lán nghỉ, mỏ nước… ở Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Tin, ảnh: THÁI KIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.