Tọa đàm 'Kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo chỉ huy CAND'
Ngày 10/7, tại Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND), Tiểu ban Lý luận xây dựng lực lượng, hậu cần - kỹ thuật CAND tổ chức Tọa đàm khoa học 'Kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND - Những vấn đề đặt ra'. Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, Trưởng Tiểu ban chủ trì buổi Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí Đại tá Tạ Quang Huy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao; Đại tá Nguyễn Đăng Sáu, Phó Cục trưởng Cục Đào tạo; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an cùng các đồng chí thành viên của Tiểu ban.
Cùng dự buổi Tọa đàm còn có đông đảo các tướng lĩnh, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND như Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Công an; Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an trung ương;Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng; GS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Ngô Huy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được quy định cụ thể tại Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vu, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nhận thức cơ bản về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung, trong bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy CAND nói riêng; đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc của việc kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy CAND cũng như dự báo những yếu tố tác động đến vấn đề trên và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo chỉ huy CAND trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng được bộ tiêu chí cho từng vị trí phù hợp với đặc trưng của lực lượng CAND để làm căn cứ đánh giá, lựa chọn và tuyển chọn cán bộ. Trong đó, ngoài các yếu tố như phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn cũng cần chú trọng yếu tố kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn. Bên cạnh quy chế và bộ tiêu chí, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi “không giám sát thì quyền lực sẽ dễ bị tha hóa”. Đặc biệt, để loại bỏ tình trạng lộng quyền và nhóm lợi ích, công tác cán bộ cần được đảm bảo các yếu tố dân chủ, công khai và minh bạch.