Tọa đàm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer (KAS) tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức (10/2011-10/2021). Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã tham dự, phát biểu tại Tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham dự của các Đại sứ, nguyên Đại sứ, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp của hai nước. Hơn 300 lượt đại biểu theo dõi Tọa đàm theo hình thức trực tuyến từ nhiều điểm cầu khác nhau.
Phát biểu tại phiên khai mạc, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết Tọa đàm là diễn đàn để Việt Nam và Đức cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, nhận diện các cơ hội và thách thức trong thời gian tới để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược.
Bà Phạm Lan Dung hy vọng Tọa đàm có thể cung cấp các khuyến nghị chính sách về hợp tác song phương, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2022-2023.
Theo ông Florian Feyerabend, Đại diện Thường trú của Quỹ KAS tại Việt Nam, Tọa đàm là hoạt động nhằm triển khai cụ thể Định hướng chính sách hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức, giúp tăng cường quan hệ song phương, cũng như thúc đẩy vai trò tích cực hơn của Đức tại khu vực.
Trong bài phát biểu dẫn đề, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định thời điểm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày 11/10/2011 là dấu mốc lịch sử mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Sau một thập niên triển khai, hai nước đã đạt được những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ song phương.
Quan hệ chính trị tiếp tục được củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao tại các diễn đàn đa phương.
Việt Nam và Đức phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy thành công việc nâng cấp quan hệ ASEAN - EU lên Đối tác chiến lược khi hai nước cùng đảm đương trọng trách kép là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên của EU.
Hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng hàng đầu khi Đức là đối tác thương mại số một của Việt Nam trong EU. Việt Nam cũng vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á.
Các lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, hợp tác phát triển với 3 trọng tâm là năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và dạy nghề đều đạt được nhiều thành tựu lớn.
Trong đại dịch Covid-19, việc Đức viện trợ gần 3,5 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác cho Việt Nam là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước đang ngày càng phát triển.
Về phía Đức, ông Martin Thümmel, Phó Tổng vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trong thập niên vừa qua đã được triển khai hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trong bối cảnh chiến lược toàn cầu với nhiều biến động lớn sau 10 năm, hai nước tiếp tục chia sẻ những lợi ích chung về tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế.
Đối với Đức, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được triển khai trên ba trụ cột: thịnh vượng, bền vững và an ninh.
Về hợp tác ứng phó với dịch bệnh, ông ca ngợi hành động hỗ trợ khẩu trang kịp thời của Việt Nam cho Đức vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và cho biết phía Đức sẽ không quên nghĩa cử cao đẹp đó.
Trong phiên thảo luận thứ nhất về hợp tác chính trị - an ninh Việt-Đức, các đại biểu cho rằng: Dù có vị trí địa lý cách xa nhau nhưng quan hệ song phương đã được củng cố nhờ sự tương đồng về lịch sử từng bị chia cắt đất nước.
Điểm thuận lợi của quan hệ Việt-Đức là tin cậy chính trị ngày càng cao và có sự hội tụ chính sách ở tầm chiến lược, hai bên cùng nhất trí trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển, từ đó đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu.
Quan hệ mật thiết giữa hai nước còn được củng cố nhờ vai trò của các cơ quan đại diện của các tiểu bang Đức tại Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho rằng quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam và Đức cần tiếp tục gia tăng đối thoại chiến lược, tăng tần suất trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao nhằm tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ song phương.
Về hợp tác đa phương, hai bên cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa hai khu vực EU và ASEAN, đồng thời phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc, ASEM nhằm thúc đẩy các ưu tiên về chống biến đổi khí hậu và xây dựng trật tự dựa trên luật lệ.
Trong phiên 2, các đại biểu tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế - xã hội Việt-Đức.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ khẳng định, kinh tế là lĩnh vực trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hai nước. Tổng kim ngạch thương mại song phương và tổng giá trị đầu tư giữa hai quốc gia tăng trưởng nhanh chóng trên những lĩnh vực mà hai nước có lợi thế.
Năm 2020, Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á với kim ngạch song phương đạt 15 tỷ USD.
Đồng thời, dòng dịch chuyển vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai bên ngày một tăng. Đây là kết quả của việc vận dụng có hiệu quả các nỗ lực dỡ bỏ thuế quan hai chiều, đặc biệt là sự phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam-Đức.
Dù vậy, các đại biểu nhận định, quan hệ kinh tế giữa hai nước thời gian qua vẫn chưa có tăng trưởng đột phá. Thương mại song phương tuy đã tăng, nhưng chỉ chiếm khoảng 0,3-0,4% tổng thương mại của Đức và ít hơn thương mại của Việt Nam với một số đối tác khác. Đầu tư của Đức vào Việt Nam cũng còn thấp so với tiềm năng của hai nước.
Do đó, các đại biểu đề xuất Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy đối thoại hiệu quả trên nhiều cấp; hoàn thiện thể chế, tạo ra môi trường cởi mở và bền vững để đón làn sóng đầu tư; đề xuất và triển khai các dự án đầu tư với quy mô lớn hơn, chú trọng tăng cường sự hiện diện đầu tư của các doanh nghiệp Đức.
Bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao và ông Florian Feyerabend cùng khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức trong thập kỷ mới trên nền tảng tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau và song trùng lợi ích.
Hai diễn giả khẳng định Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Đức và Quỹ KAS sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các kênh trao đổi học thuật và tham mưu chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.