Tọa đàm mùa Xuân 2024: Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ đâu?

LTS: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất chủ trương đầu tư 350.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.

Mục tiêu của Chương trình là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người; xây dựng và hoàn thiện thể chế và thiết chế cho hoạt động văn hóa từ trung ương đến cơ sở...

Sự xuống cấp về văn hóa - đạo đức có nguyên nhân từ đâu? Cần có các phân tích, mổ xẻ thực trạng này với các góc nhìn khác nhau, để từ đó tìm kiếm những giải pháp khởi sự không chỉ toàn diện mà còn khả thi.

Khách mời Tọa đàm mùa xuân của Người Đô Thị năm nay là những chuyên gia chính sách, các nhà nghiên cứu lĩnh vực văn hóa - xã hội: GS-TS. Trần Ngọc Vương, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ, TS. Trương Văn Minh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, GS-TS. Từ Thị Loan, PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, TS. Nguyễn Sĩ Dũng.

Trong giáo dục văn hóa, có các cơ hội học tập không chính thức thông qua hội thảo, lễ hội và các sự kiện cộng đồng khác. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải

Trong giáo dục văn hóa, có các cơ hội học tập không chính thức thông qua hội thảo, lễ hội và các sự kiện cộng đồng khác. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải

GS-TS. Trần Ngọc Vương:

Rất nhiều giá trị cần được minh định lại

Đặt ra vấn đề chấn hưng văn hóa vào lúc này là rất cần thiết và cấp bách. Vì sự quăng quật của những biến cố lịch sử và một số chính sách kinh tế - xã hội đã làm cho văn hóa trở nên nham nhở, nhem nhuốc. Rất nhiều giá trị đảo lộn về tôn giáo, đạo đức, văn hóa, giáo dục… Nếu không xốc lại văn hóa thì sẽ mất phương hướng phát triển.

GS-TS. Trần Ngọc Vương.

GS-TS. Trần Ngọc Vương.

Nhưng nói chấn hưng chung chung thì vô nghĩa, tiền bao nhiêu cũng hết, càng làm chỉ càng lãng phí, càng tan nát hơn. Phải trả lời được câu hỏi chấn hưng cái gì, chấn hưng văn hóa về chuẩn mực nào, để từ đó thiết kế chương trình chấn hưng văn hóa, kế hoạch và tiến độ từng bước ra sao… Quá nhiều việc phải làm trong một không gian văn hóa bề bộn hiện nay.

Đầu tiên, về hệ tư tưởng, phải xác định được chúng ta tiếp tục xây dựng nền văn hóa mà hiện đang được khẳng định chăng? Nhưng nền văn hóa đó là thế nào, cốt lõi nhất của nó là gì, nhân cách văn hóa, mẫu người văn hóa được kiến tạo thế nào, thiết chế văn hóa được hình thành thế nào, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần thế nào?…

70 - 80 năm trước chúng ta đặt vấn đề phát triển vươn lên chống đế quốc, thực dân, xây dựng nền văn hóa mới. Nhưng bây giờ phải chống bảo thủ, trì trệ, kìm hãm. Những năm 1980 - 1990, văn hóa Việt Nam phải trải qua một biến cố lớn vì ồ ạt phục hồi cái cổ xưa một cách mất phương hướng. Lễ hội được phục dựng ồ ạt, xô bồ, thiếu hiểu biết nên đã bị biến thành một loại sinh hoạt giải trí, vui chơi thuần túy, mất đi phần tư tưởng, tầm cỡ chính trị và triết học của lễ hội.

Đến các nhân vật văn hóa được tôn vinh mấy chục năm qua cũng bị phủ lên nhiều sai lạc. Với những danh nhân văn hóa như Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Trạng Quỳnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu… thì đều được nói không chuẩn xác về họ. Gần đây, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông được minh định chính xác hơn những công lao, đóng góp của các ông, nhưng người ta cũng đã phủ lên các ông bao thứ tào lao khác mà chưa gột đi được.

Cho nên để chấn hưng văn hóa thì việc rất cần làm là phải nghiên cứu lại một cách chặt chẽ, nghiêm túc về văn hóa Việt Nam, hệ thống nhân vật văn hóa Việt để tôn vinh đúng giá trị. Muốn chấn hưng văn hóa phải chấn hưng từ gốc. Những nhân vật, sự kiện, phong trào, thành tựu tử tế thì phải đề cao đúng với sự tử tế của họ. Ví dụ như Hội Truyền bá quốc ngữ một thời có công rất lớn trong việc xóa nạn mù chữ của đất nước, nhưng những người có công đầu trong hội này lại chỉ được nhắc một cách chiếu lệ hoặc lờ đi, ví dụ như ông Nguyễn Hữu Đang. Rồi một số sai lầm lịch sử không được nhận sai hoặc chỉ nhận sai một cách tù mù như vụ Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm thì phải ứng xử thế nào. Hay Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đã có di hại mấy chục năm qua đến văn hóa Việt Nam thế nào, cũng cần được nghiên cứu chỉ ra và phải tìm cách tẩy rửa những độc hại ấy. Muốn chấn hưng văn hóa, phải sòng phẳng, công bằng với lịch sử. Không sòng phẳng trước lịch sử thì không thể sòng phẳng với hiện tại và tương lai.

Và chấn hưng văn hóa thì rất cần xây dựng hình tượng những người anh hùng mới, nhưng họ sẽ là ai đây khi mà nhiều những lãnh đạo cao cấp hôm trước còn là những tấm gương sáng cho xã hội, hôm sau đã vào tù. Rồi nhiều năm qua ngân sách chi số tiền lớn để làm những công trình văn hóa mà một phần đáng kể trong đó không có đóng góp nhiều về văn hóa.

Muốn chấn hưng văn hóa, cần phải đưa ra được những đầu mục công việc rất cụ thể, trong đó có một đầu mục cần làm là những người lãnh đạo và quản lý văn hóa trước hết phải là nhà văn hóa, một khuôn mặt văn hóa. Chúng tôi đã đề nghị điều này từ nhiều năm nay nhưng chưa được thực hiện.

Chấn hưng văn hóa tất nhiên rất cần đến tiền, nhưng tiền không bao giờ là yếu tố tiên quyết và có thể giải quyết vấn đề. Khi định nghĩa văn hóa là những gì còn lại sau khi tất cả đã trôi đi, người ta có dụng ý khuyến cáo văn hóa là cái rất đáng quý, rất khó khăn để xây dựng nhưng lại vô cùng mong manh, dễ mất đi. Cho nên, chấn hưng văn hóa không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng.

Xin chữ ngày xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn/tapchicongsan.org.vn

Xin chữ ngày xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn/tapchicongsan.org.vn

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ:

Bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn của gia đình về văn hóa

Xây dựng rất nhiều những thiết chế như quảng trường, tượng đài, có thể cần thiết nhưng chưa tập trung cho con người. Cái chúng ta cần là cơ chế để thúc đẩy con người ở cấp cơ sở. Văn hóa cộng đồng của ta không rõ ràng, nên gia đình vẫn là cơ bản nhất trong xã hội hiện nay.

Một cách khách quan, tôi đề xuất không nên dùng từ “chấn hưng” mà là “thúc đẩy” xây dựng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới thì phù hợp hơn.

Bởi thứ nhất, chưa có một nghiên cứu định lượng nào cho thấy văn hóa suy thoái và suy thoái ở mức nào. Theo tôi, hiện nay đạo đức xã hội, phong thái văn hóa đang chuyển hướng đa dạng, phong phú. Xã hội chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình đô thị hóa, hiện đại hóa và có sự tham gia của xã hội mạng. Tránh sao khỏi tất cả những quy ước, mối quan hệ và cách thức giao tiếp truyền thống đều vụn vỡ. Trước đây, một cá nhân từ nhỏ đến khi trưởng thành chỉ tương tác với cha mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè, trường lớp. Còn bây giờ, họ còn có cả một không gian mạng.

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng nhóm Nghiên cứu di sản văn hóa trong xã hội đương đại, Đại học Quốc gia TP.HCM.

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng nhóm Nghiên cứu di sản văn hóa trong xã hội đương đại, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Vì vậy, chúng ta đang có hai không gian vật lý thực và không gian ảo. Trong khi không gian thực đã có các hệ quy chiếu về chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử rất rõ, thì không gian ảo vẫn rất mở mà chúng ta chưa thật sự chú trọng. Như vậy về cung cách ứng xử, phong thái khác trước, dẫn đến một số hiện tượng không giống với truyền thống nữa, thì nhiều người vội cho rằng như thế là suy thoái hoặc lệch chuẩn. Tôi dùng một từ trung tính hơn là đang biến đổi. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế về tổ chức, quản lý một xã hội đang chuyển đổi thì tâm lý, văn hóa, con người cũng chuyển đổi theo. Trong quá trình chuyển đổi, chuẩn mực mới chưa hình thành, ta không thể có một hệ tham chiếu khách quan.

Thứ hai, đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới thì nhiều trào lưu mới du nhập làm xáo trộn xã hội, nhất là giới trẻ. Thành ra tôi nghĩ rằng thúc đẩy xây dựng văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập phát triển, thì bên cạnh không gian sống mới phù hợp, con người cần chuẩn mực về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ, xây dựng lý tưởng sống và không gian để hỗ trợ cộng đồng, nâng chất lượng đời sống văn hóa ở cấp cơ sở. Tất cả những điều đó đương nhiên cần những nguồn kinh phí nhưng phải được đong đo trên cơ sở khoa học. Ví dụ chúng ta đã thấy, xây dựng nhiều nhà văn hóa quá nhưng không có con người làm chuyên môn và hoạt động không hấp dẫn thì không thu hút được công chúng. Vậy đầu tư tiền của vào các thiết chế vật chất đó để làm gì?

Vì thế cần có những chính sách rõ ràng và phải bắt đầu từ con người, bởi con người, bằng con người và do con người. Hay nói một cách cụ thể, nếu có cái gọi là “chấn hưng văn hóa” hay thúc đẩy xây dựng văn hóa Việt Nam thì cần bắt đầu từ gia đình, là không gian vật lý hơn là không gian ảo. Nếu như không gian vật lý tốt thì không gian ảo cũng đi theo chiều hướng tốt. Trong một gia đình bố mẹ quan tâm con cái một cách có trách nhiệm, có đối thoại và con cái nhận được sự tôn trọng, yêu thương, đùm bọc, dạy dỗ tử tế. Và nếu ở nhà trường cũng như vậy thì tôi nghĩ là hai yếu tố này giúp cho ứng xử trên không gian mạng sẽ tốt hơn.

Do đó, phải bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn của gia đình về văn hóa. Theo tôi, rất cần các nghiên cứu định lượng ở nhiều địa phương để tìm hiểu các gia đình ở cơ sở cần những gì để đạt được mục tiêu hạnh phúc, giáo dục con cái tử tế, chăm lo cho việc lập nghiệp của con... Đề án “chấn hưng văn hóa” hãy bắt đầu ở gia đình và cũng nên kết thúc ở gia đình. Tỉnh nào cũng xây thư viện, bảo tàng nhưng các gia đình có vào đó đâu vì chúng kín cổng cao tường, nằm ở trung tâm, không có những chuyên đề lưu động đi đến từng khu vực vì không có con người, không có mô hình hoạt động. Tôi có cảm giác nguồn lực của chúng ta đang bị phân tán. Các nhà chuyên môn, giới văn nghệ sĩ đầy nguồn lực nhưng hoặc là họ không được mời kết nối hoặc không có cơ chế để phối hợp với quản lý văn hóa địa phương để làm nhiệm vụ chung. Ta có nguồn lực, có hệ thống cơ sở nhưng hai cái này lại tách biệt nhau.

Bản thân tôi thực hiện chương trình mang di sản văn hóa đờn ca tài tử về giới thiệu, trình diễn một cách bài bản ở các địa phương, anh chị em nghệ sĩ tham gia rất tâm huyết, người xem rất mãn nguyện, nhưng rồi làm thế nào để lan tỏa được nhiều? Thật ra, chúng tôi chỉ có thể liên hệ với những người quen biết. Như có học trò đang làm ở trung tâm văn hóa tỉnh này, huyện kia thì nhờ họ để xuống đó tổ chức một buổi dành cho thanh niên, sinh viên địa phương. Chứ còn muốn phủ xuống hệ thống phường xã một cách chính thức thì lại dính tới chủ trương này kia…

Cuối cùng, đã nói đến văn hóa, phải xuyên suốt cả một truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc. Mỗi thời thế có những tác động riêng. Giai đoạn hiện nay chúng ta đang xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi cho rằng xét về vĩ mô, các chính sách, chủ trương là đúng đắn, nhưng khi triển khai xuống bên dưới thường không có ý kiến của nhà chuyên môn, giới nghiên cứu chưa được tham gia ý kiến, nên đầu tư dàn trải và không đúng chỗ. Ví như xây dựng rất nhiều những thiết chế như quảng trường, tượng đài, có thể cần thiết nhưng chưa tập trung cho con người. Cái chúng ta cần là cơ chế để thúc đẩy con người ở cấp cơ sở. Văn hóa cộng đồng của ta không rõ ràng, nên gia đình vẫn là cơ bản nhất trong xã hội hiện nay. Và thước đo nằm ở hạnh phúc, sự thăng hoa của đời sống tinh thần mỗi gia đình.

Còn tiếp...

Quốc Ngọc - Thạch Thảo thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/toa-dam-mua-xuan-2024-chan-hung-van-hoa-bat-dau-tu-dau-42485.html