Tọa đàm Pháp-Việt về hợp tác ứng phó với thách thức y tế

Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia tọa đàm về hợp tác ứng phó với thách thức y tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức.

Vào thời điểm mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực tham gia chống dịch COVID-19, Tọa đàm về hợp tác để ứng phó với thách thức y tế được tổ chức với sự hợp tác giữa Đại sứ quán Pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam nhằm mục đích giới thiệu những sáng kiến quốc gia và đa phương chống các đại dịch và tăng cường hệ thống y tế, tranh luận về những vấn đề trọng tâm của mối quan tâm an ninh y tế toàn cầu và cuối cùng nhằm tái khẳng định vai trò quan trọng của Liên Hiệp quốc trong điều phối toàn cầu các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt-Pháp, cho biết: "Hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực y tế đã có bề dày hơn một thế kỷ, đặc biệt với việc hình thành các Viện Pasteur đầu tiên ngoài lãnh thổ Pháp. Năm ngoái, chúng ta đã kỷ niệm 65 năm những chương trình đầu tiên đào tạo bác sỹ Việt Nam tại Pháp trong khuôn khổ Hội Hữu nghị Việt-Pháp."

Toàn cảnh Tọa đàm Pháp Việt hợp tác ứng phó với thách thức y tế

Toàn cảnh Tọa đàm Pháp Việt hợp tác ứng phó với thách thức y tế

Pháp đã đưa chủ đề sức khỏe toàn cầu thành một trong những trục trung tâm của ngoại giao đa phương, như được nhắc lại trong chiến lược Y tế toàn cầu của Pháp giaI đoạn 2017-2021. Mục đích chính của chiến lược này là tăng cường các hệ thống y tế đồng thời chống lại bệnh tật, tăng cường an ninh y tế ở cấp độ quốc tế và nâng cao sức khỏe người dân.

Từ nhiều năm nay, Pháp đã chọn đầu tư vào những quỹ y tế đa phương như Quỹ Toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét (tài trợ của Pháp cho quỹ lên đến 13%), Liên minh về Vắc xin GAVI (6%), và UNITAID (58%), với tài trợ lên đến 2/3 nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho y tế. Qua đó, Pháp đã phân bổ cho Việt Nam tương đương 72,8 triệu USD thông qua Quỹ Toàn Cầu, 7 triệu USD thông qua UNITAID và 3 triệu USD thông qua GAVI. Thêm vào các khoản tiền này là khoản đóng góp của Pháp cho Quỹ phát triển Châu Âu.

Dịch bệnh COVID-19 xảy ra hiện nay đã khẳng định tính chất tối quan trọng của các vấn đề y tế quốc tế, đặc biệt cho thấy rõ những điểm mạnh và điểm yếu của các hệ thống y tế của mỗi quốc gia, đặt ra những câu hỏi về vai trò khác nhau của Tổ chức Y tế thế giới. Liên quan tới cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam là một điển hình từ đó có thể cho phép rút ra những bài học chung.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: "Với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, có thể thấy, dịch bệnh không có biên giới, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể đơn lẻ kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Cùng với nỗ lực trong nước để đẩy lùi dịch bệnh, là một quốc gia thành viên có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế, Việt Nam chủ trương cần chung tay hợp tác với các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này. »

Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery chia sẻ: "Pháp coi chủ đề y tế toàn cầu là một trong những nội dung trọng tâm trong chính sách ngoại giao của mình và dành cho lĩnh vực này những nguồn tài chính rất lớn. Hoạt động của chúng tôi đặc biệt hướng tới mục tiêu tăng cường hệ thống y tế để phòng chống các loại bệnh tật, tăng cường an ninh y tế trên phạm vi quốc tế và tạo điều kiện bảo đảm sức khỏe cho người dân."

Sáng kiến ACT-A chống đại dịch COVID-19

Sáng kiến "Access to COVID-19 Tools Accelerator" (ACT-A) là sự hợp tác nhằm thúc đẩy việc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với việc xét nghiệm, điều trị và vacxin COVID-19.

Được phát động vào cuối tháng 4 năm 2020, tại một sự kiện dưới sự đồng tổ chức của Tổng Giám
đốc WHO, Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Quỹ Bill & Melinda Gates, Sáng kiến ACT-A quy tụ các chính phủ, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các nhà tài trợ và các tổ chức y tế trên thế giới.

Các tổ chức này đã tập trung lực lượng để thúc đẩy sớm việc chấm dứt dịch bệnh thông qua việc hỗ trợ phát triển và phân phối công bằng việc xét nghiệm, điều trị và vacxin mà thế giới cần để tạo điều kiện cho việc kiểm soát ở cấp độ cao COVID-19.

Trong năm 2020,Việt Nam và Pháp đều là thành viên của Hội đồng thúc đẩy sáng kiến ACT-A, cơ quan điều hành Sáng kiến này.

Sáng kiến ACT-Accelerator được tổ chức thành bốn trụ cột : chẩn đoán, điều trị, vacxin và
tăng cường hệ thống y tế. Việt Nam thụ hưởng từ Sáng kiến Covax (vắc-xin trụ cột của ACT-A) một
qui trình tiếp cận được tạo điều kiện dễ dàng và sự trợ giúp tài chính rất lớn để mua vắc-xin, với sự
đóng góp lên tới 400 triệu euro của Ủy ban Châu Âu. Pháp cũng sẽ đóng góp 500 triệu euro giai
đoạn 2021-2025 cho GAVI, Liên minh toàn cầu về Vacxin (trong đó có Việt Nam) để hỗ trợ việc tiêm vắc-xin tại các quốc gia có nhu cầu lớn nhất, và sẽ tài trợ thêm 100 triệu euro để góp phần vào việc tiếp cận với vắc-xin COVID-19 trên toàn thế giới.

NV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/toa-dam-phap-viet-ve-hop-tac-ung-pho-voi-thach-thuc-y-te-n185445.html