Tọa đàm - Tư vấn pháp luật chủ đề: 'Những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019': Làm rõ nhiều quy định sát sườn với người lao động
Chiều 14/12, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hội Luật gia TP Hà Nội tổ chức tọa đàm – tư vấn pháp luật trực tuyến với chủ đề: 'Những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019'. Tham gia buổi tọa đàm có luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội, luật sư Nguyễn Quốc Việt và luật gia Phạm Thu Hương.
Giải đáp cụ thể các tình huống trong thực tiễn
Tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội đã giới thiệu những điểm mới nổi bật trong Bộ luật Lao động 2019. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm nâng cao quyền lợi của NLĐ. Trong đó, điểm nhấn là lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hướng tới 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Bên cạnh đó, các luật sư, luật gia đã trả lời trực tuyến với độc giả xung quanh những tình huống cụ thể phát sinh từ thực tiễn, liên quan đến NLĐ và sử dụng lao động.
Trong đó, bạn đọc Trương Thị Mây (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) hỏi: Công ty có ký hợp đồng lao động với 3 bảo vệ. Thứ Bảy và Chủ nhật, NLĐ vẫn đi làm bình thường, không có ngày nghỉ hàng tuần, thì thời gian làm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật của NLĐ có được tính là thời gian làm thêm không? Công ty phải tính giờ làm cho NLĐ như thế nào cho hợp lý?
Theo luật gia Phạm Thu Hương, công ty không bố trí cho NLĐ có ngày nghỉ hàng tuần là vi phạm Bộ luật Lao động. Bởi vì theo quy định, mỗi tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày (Điều 110 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 đều quy định giống nhau). Còn quy định về làm thêm giờ, Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời gian làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng. Đến ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành, quy định thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng...
Lái xe Grab không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động
Bạn đọc Trương Đức (quận Tây Hồ) băn khoăn, liệu lái xe Grab có được bảo vệ bởi các quy định trong Bộ luật Lao động không? Đây là vấn đề nóng trong những ngày qua khi Grab tăng giá, tăng chiết khấu với tài xế.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Việt, pháp luật lao động hiện hành quy định, NLĐ, người làm công ăn lương có tuổi đời từ 15 tuổi trở lên chịu sự quản lý, điều hành của chủ sử dụng lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động. Từ viện dẫn quy định của pháp luật nêu trên, những người làm việc theo mô hình lái xe Grab lại chưa đáp ứng được tiêu chí trên và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Grab chỉ coi các tài xế là đối tác ngồi chung một con thuyền, khi tài xế có cuốc xe thì Grab có doanh thu.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 về hợp đồng lao động, chúng ta thấy trường hợp các bên giao kết một hợp đồng hoặc một thỏa thuận không phải là hợp đồng lao động nhưng có thể hiện các yếu tố về công việc làm, tiền lương và sự quản lý điều hành, giám sát của một bên đối với bên còn lại thì cũng được coi là hợp đồng lao động. Xét về yếu tố công việc, hiện Grab có một quy chế hoạt động và các điều khoản sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử riêng và bắt buộc áp dụng cho các tài xế. Theo đó, các tài xế phải tuân thủ một quy trình tác nghiệp, cụ thể như quy trình nhận cuốc xe, quy trình vận chuyển khách hành, quy trình giao nhận hàng hóa.
Xét về yếu tố tiền lương, khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
“Hiện các tài xế đang được hưởng thù lao tùy theo tính chất của công việc cụ thể dưới dạng tỷ lệ % số tiền thanh toán của khách hàng. Xét về yếu tố quản lý, điều hành, giám sát, Grab chủ động điều hành cuốc xe, đơn hàng từ khách hàng thông qua hệ thống tự động quét các tài xế để chỉ định tài xế nhận cuốc xe đơn hàng. Grab giám sát các hành vi của tài xế thông qua phần mềm kết nối nhằm phát hiện các hành vi gian lận hoặc vi phạm của tài xế. Những yếu tố trên cho thấy, đây là quan hệ lao động, rất cần có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể” - luật sư Nguyễn Quốc Việt đề xuất.