Tọa đàm và gặp mặt nhân 60 năm kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn
Chiều 3/10, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học và gặp mặt nhân chứng lịch sử đánh dấu 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội – Huế - Sài Gòn (8/10/1960 – 8/10/2020), nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tham dự Tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức và các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm và gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: Lịch sử dân tộc đã chứng minh Hà Nội - Huế - Sài Gòn như cây một cội, như con một nhà. Là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm của hậu phương lớn, Hà Nội luôn sát cánh cùng đồng bào miền Nam, Huế và Sài Gòn. Hà Nội làm trọn nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội vinh dự là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, Thành phố Sài Gòn vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội – Huế - Sài Gòn cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua những năm tháng khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và tiến hành công cuộc đổi mới. Ba tỉnh, thành phố tiếp tục có các chương trình giao lưu, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, thiên tai, lũ lụt thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung như anh em một nhà.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tin tưởng rằng mối quan hệ đặc biệt giữa ba thành phố tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân bồi đắp thêm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để mối tình keo sơn đó ngày càng bền chặt; đồng thời khẳng định, đây là hành trang để Hà Nội – Huế - Sài Gòn vững bước trên con đường đổi mới.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu chia sẻ: Đồng hành với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn hướng về Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và tự hào về Thành phố Hồ Chí Minh “Thành đồng tổ quốc”. Thời gian qua, cùng với hai thành phố này, Thừa Thiên – Huế luôn chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, học tập; hợp tác phát triển trên các lĩnh vực ngày càng sâu rộng, nhất là du lịch, thương mại, đầu tư, văn hóa, thể thao, giáo dục – đào tạo…
Ông Lê Trường Lưu đề nghị, để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi đơn vị trên tất cả các lĩnh vực,ba tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức thực hiện tốt tinh thần hợp tác, tạo điều kiện để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực công tác…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng khẳng định: Mối tình thắm thiết keo sơn Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã ghi vào những trang sử vẻ vang của ba tỉnh, thành phố và mãi khắc sâu trong lòng nhân dân cả nước; động viên nhân dân Hà Nội nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, cổ vũ nhân dân Huế, Sài Gòn và miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định đặt một số tên đường như đường Hà Nội, đường Bến Nghé.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1984) , Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên xa lộ Biên Hòa thành xa lộ Hà Nội. Nối tiếp truyền thống quý báu, Hà Nội, Huế, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chương trình hợp tác giữa ba thành phố được ký kết.
Tham luận của các đại biểu tại buổi tọa đàm nhấn mạnh về mối quan hệ gắn bó Hà Nội - Huế - Sài Gòn, góc nhìn lịch sử về việc kết nghĩa của ba tỉnh, thành phố, sự hợp tác phát triển du lịch di sản của ba địa phương... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu những điểm tương đồng của ba thành phố, theo đó Hà Nội, Huế, Sài Gòn là ba thành phố đại diện tiêu biểu cho ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Một điểm chung của ba thành phố này là đều đã từng là thủ đô hoặc thủ phủ của mỗi miền trong tiến trình lịch sử đất nước, có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Tối 3/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Chương trình mang đến không gian nghệ thuật đặc sắc, đặc trưng văn hóa của ba tỉnh, thành phố lớn. Chương trình có sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi như: Trọng Tấn, Hồng Nhung, Phạm Thu Hà, Quang Dũng, Lan Anh, Vân Khánh, Đoan Trang... cùng các vũ đoàn.
Qua những hoạt cảnh và những ca khúc bất hủ, chương trình làm sống lại khí thế hào hùng trong giai đoạn ba thành phố lớn Hà Nội – Huế – Sài Gòn sát cánh cùng nhau đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đến khi non sông thống nhất. Bên cạnh những ca khúc kháng chiến, chương trình còn có những ca khúc trữ tình, lãng mạn thể hiện sự phát triển của ba thành phố, khơi dậy niềm tự hào về ba thành phố lớn của đất nước.