Tọa đàm về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Sáng 10.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, đã tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo Tờ trình dự thảo Luật, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển. Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong các văn kiện chính trị như Nghị quyết Đại hội VII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25.10.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 25-TB/TW ngày 11.4.2017 của Bộ Chính trị về Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”…
Về cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực động viên công nghiệp là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp an ninh là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tầm Luật điều chỉnh trực tiếp về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển lĩnh vực này. Để thống nhất với các Luật ban hành trong thời gian qua, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết.
Dự thảo Luật gồm 7 chương và 73 điều, tập trung vào 5 chính sách nổi bật. Cụ thể, chính sách đầu tiên là phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động này.
Chính sách thứ hai là hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Chính sách thứ ba là thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Chính sách thứ tư là huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Chính sách thứ năm là bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Đa số đại biểu tán thành với việc xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn các nhiệm vụ này trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân…
Nhiều ý kiến đánh giá cao việc dự thảo Luật có quy định khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp. Nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản; làm chủ công nghệ nền, giải mã và phát triển công nghệ lõi, các công nghệ chế tạo sản phẩm... Đồng thời, có cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh… Điều này đã thể hiện được vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị quốc phòng, thậm chí ở trong và ngoài nước đều cần được huy động, trọng dụng tối đa.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, đây là những thông tin quan trọng để Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới.