Tọa đàm về dự án Luật TTATGT đường bộ và dự án Luật Đường bộ
Tọa đàm nhằm nghiên cứu, làm rõ các vấn đề về cơ sở lý luận, pháp lý, khoa học, thực tiễn có liên quan đến dự án luật TTATGT đường bộ và dự án Luật Đường bộ; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thuận chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Sáng 31/8/2023, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và dự án Luật Đường bộ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, chỉ đạo tọa đàm.
Chủ trì tọa đàm có: Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban QP & AN; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Dự tọa đàm có các đại biểu Quốc hội thuộc Thường trực Hội đồng dân tộc; các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố…
Buổi tọa đàm nhằm nghiên cứu, làm rõ các vấn đề về cơ sở lý luận, pháp lý, khoa học, thực tiễn có liên quan đến dự án luật TTATGT đường bộ và dự án Luật Đường bộ; kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thuận chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đường bộ, bảo đảm TTATGT đường bộ; thu thập thông tin phục vụ xây dựng, thẩm tra chỉnh lý 2 dự án luậy tteen, cung cấp thêm thông tin để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trong quá trình cho ý kiến về các dự án luật này.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu khái quát những thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh đạt được trong thời gian qua; đồng thời cho biết, qua hơn 6 tháng triển khai “Tỉnh an toàn giao thông”, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận dư luận, lan tỏa tích cực trong xây dựng và triển khai Nghị quyết số 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tỉnh an toàn giao thông” đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh - Kinh Bắc đã có sự chuyển biến rõ nét. Các nhiệm vụ triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra, tai nạn giao thông giảm sâu (22%), tình hình ANTT được giữ vững; đồng thời mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, định hướng cụ thể để tỉnh Bắc Ninh quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận sự chủ động, sáng tạo của Ủy ban QP & AN, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức tọa đàm trước khi Chính phủ trình 2 dự án luật lên Quốc hội, thể hiện tinh thần chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý các đại biểu nghiên cứu cho ý kiến, trao đổi và làm rõ về việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; làm rõ sự cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật TTATGT và dự án Luật Đường bộ; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi, nhất là những nội dung cụ thể giữa 2 dự án Luật; về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của từng dự án Luật; kỹ thuật lập pháp, nội dung, bố cục, tính rõ ràng, cụ thể, logic của từng dự án Luật.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với sự cần thiết và những nội dung cơ bản của 2 dự án Luật. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ về sự thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực tổ chức giao thông đường bộ, bảo đảm TTATGT đường bộ; sự phù hợp của 2 dự án Luật trên với hệ thống pháp luật nước ta và thông lệ quốc tế..
Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định,việc xây dựng dự án luật Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết, đề nghị các cơ quan chức năng cần quy định trách nhiệm nhà nước rõ ràng, đảm bảo mục tiêu chính là giảm thiểu tai nạn giao thông.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng thay mặt Ban soạn thảo 2 Bộ trân trọng cảm ơn các đại biểu đã phát biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện về 2 dự thảo luật, khẳng định 2 ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu để báo cáo Chính phủ hoàn thiện tờ trình và dự thảo của 2 luật; tiếp tục rà soát kỹ các giao thoa, chồng lấn, xung đột trong 2 dự án luật. “Việc xây dựng 2 luật là thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao, mới đây nhất là Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, trong đó, nêu rõ việc xây dựng 2 luật theo đúng quy trình, quy định để sớm trình Quốc hội xem xét ban hành” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, nguyên tắc trong xây dựng 2 luật là phân định phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh với quan điểm những gì mang tính chất động thì sẽ quy định trong Luật TTATGT đường bộ; những vấn đề liên qua đến kết cấu hạ tầng, bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ hạ tầng…được quy định trong Luật đường bộ. “Nhiệm vụ sắp tới của hai ban soạn thảo là tiếp tục hoàn thiện hai dự án luật để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 tới đây. Ban soạn thảo Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã làm việc rất gắn kết, chặt chẽ, chu đáo, chu toàn, thường xuyên làm việc với nhau, bàn thảo cụ thể để có ý kiến thống nhất” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban QP & AN Lê Tấn Tới phát biểu kết luận tọa đàm khẳng định, trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các đại biểu, hai cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để hoàn thiện dự án luật báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sao cho luật có chất lượng cao nhất.