Tọa đàm về tiểu thuyết 'Sóng độc' của nhà văn Trần Gia Thái
Ngày 10/3, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Tọa đàm về tiểu thuyết Sóng độc của nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Ðài PT-TH Hà Nội; nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Sóng độc là tiểu thuyết của nhà văn Trần Gia Thái, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2022 (gồm 17 chương, dày hơn 400 trang sách). Đây là tập tiểu thuyết tiếp sau các tập thơ và truyện của nhà văn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành từ những năm nhà văn làm việc ở Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Nghĩa đen thì Sóng là phương tiện thu phát thông tin và hình ảnh. Nó gắn liền với nghề làm báo. Bên sóng lành còn có sóng bị quấy nhiễu, sóng va đập vật thể lạ hay nhiễm bụi - ghép lại Sóng độc là ngữ nghĩa của người làm văn.
Trong bối cảnh của những năm vừa chống Covid-19 lại vừa chống tham nhũng, đổi mới quản lý hành chính trên hành trình hòa nhập vào cuộc CM 4.0, hạn chế tối đa các thủ tục đã từng nhiều năm gây phiền hà, nhũng nhiễu cư dân… Nội bộ khá nhiều ngành cấp phát hiện vụ việc lợi dụng vị trí công tác, mưu toan chiếm đoạt tiền bạc, tài sản Nhà nước và của công dân.
“Sóng độc” đã kịp thời đến tay bạn đọc như người bạn đồng hành trong cuộc chiến ấy - cuộc chiến giữa cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác - tạo sức hấp dẫn và sự đồng tình của công chúng.
Tại buổi tọa đàm, các Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà báo và Nhà phê bình văn học đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, tạo nên một diễn đàn trao đổi đa chiều và hết sức sinh động xoay quanh tiểu thuyết.
Trước hết về mặt nội dung, nhà thơ Hải Đường cho biết: đây là một cuốn sách rất “nóng” trong đời sống xã hội - văn chương. Khi mà cái lò lửa đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang rừng rực cháy thì, theo thiển ý của tôi, tiểu thuyết Sóng độc của nhà văn Trần Gia Thái góp vào những thanh củi gộc để tiếp sức, để giữ bền ngọn lửa ấy. Nhưng không phải là những “thanh củi” hiểu theo nghĩa thông thường …mà ở đây là sự khái quát cao về một bộ phận trong giới trí thức bị lưu manh hóa đến mức mất hết nhân tính...
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ chia sẻ: để có thể truyền tải nội dung đến với công chúng là cả một quá trình tư duy sáng tạo của tác giả về những tạo dựng bố cục, nhân vật cũng như diễn biến tính cách của nó. Mặt khác, cái đích chính của Sóng độc nhằm phản ánh và tạo ảnh hưởng đến đời sống và thời đại nó đang sống...
"Chúng ta đón nhận ở Tác phẩm văn học, trước hết là kết quả, là thành tựu lao động sáng tạo của tác giả, hai là đón nhận ở đó nội dung mang đậm bản chất về đời sống văn hóa xã hội, thậm chí còn phát lộ cả những dự báo mới nào đó. Đối với công tác lý luận, phê bình thì việc tập hợp các tác phẩm điển hình ở một thời kỳ, một giai đoạn, hay thậm chí về một mảng đề tài…là hết sức quan trọng bởi qua đó, ngoài nội dung phản ánh hiện thực, chúng ta còn nhận ra, còn tìm thấy một khuynh hướng sáng tác mới và mặt khác, phát hiện cả xu hướng về nhu cầu cảm thụ giá trị văn hóa của công chúng đương thời", nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhấn mạnh.