Tòa đùn đẩy việc, đương sự khổ sở

Có những vụ tranh chấp đơn giản chỉ là đòi lại tiền, vàng vì giao dịch không thành, khi người dân nhờ tòa phân xử thì các tòa lại đùn đẩy cho nhau khiến đương sự khổ sở vì phải chạy lòng vòng...

Tháng 8-2005, bà NTBT khởi kiện bà ĐTKL ra TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM), nơi bà L. cư trú để yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên là vô hiệu. Ngoài ra, bà T. còn yêu cầu bà L. hoàn trả 80 lượng vàng đã nhận.

Sáu năm chưa biết tòa nào xử

Vụ kiện được TAND quận Bình Thạnh thụ lý. Tòa đã mời đôi bên đến hòa giải nhưng sau đó lại có quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến TAND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nơi có mảnh đất tranh chấp với lý do vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Nửa năm sau, TAND quận Bình Thạnh lại có công văn gửi TAND huyện Nhơn Trạch đề nghị… lấy lại hồ sơ vụ kiện để thụ lý, xét xử. Sau khi thụ lý lại và ra quyết định đưa vụ án xét xử, TAND quận Bình Thạnh lại… chuyển hồ sơ sang TAND quận 3. Theo TAND quận Bình Thạnh, đến lúc này, vụ kiện không thuộc thẩm quyền của tòa vì bà L. đã chuyển về ở tại quận 3.

Tháng 11-2008, TAND quận 3 thụ lý hồ sơ vụ kiện. Đến tháng 6-2010, tòa lại chuyển hồ sơ sang TAND quận Thủ Đức với lý do bà L. đã chuyển về Thủ Đức ở. Ba tháng sau, TAND quận Thủ Đức có công văn chuyển trả vụ án cho TAND quận 3 với lý do vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Thụ lý lại vụ án, tháng 10-2010, TAND quận 3 lại chuyển hồ sơ sang TAND huyện Nhơn Trạch. Không đồng tình, bà T. làm đơn khiếu nại nhưng không được TAND quận 3 trả lời. Chờ hơn hai tháng, bà T. liên lạc với thẩm phán từng được phân công giải quyết vụ việc thì được trả lời miệng là đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TAND TP.

Một vụ tranh chấp đơn giản, vậy mà hơn sáu năm nay, bà T. cứ phải chạy lòng vòng hết tòa này sang tòa khác vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Có thật sự vướng?

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP, vụ kiện của bà T. không quá phức tạp về thẩm quyền để phải chuyển lui chuyển tới giữa các tòa như thế. Bởi lẽ theo Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự thuộc tòa án nơi bị đơn cư trú (điểm a khoản 1 Điều 35), trường hợp tranh chấp về bất động sản thì do tòa án nơi có bất động sản giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 35).

Như vậy, nếu xác định vụ kiện của bà T. là tranh chấp bất động sản thì do TAND huyện Nhơn Trạch xét xử. Còn nếu xác định là tranh chấp về hợp đồng dân sự có liên quan đến bất động sản thì do tòa án nơi bị đơn cư trú xét xử.

Theo vị thẩm phán này, đây là vụ tranh chấp về hợp đồng dân sự chứ không phải là tranh chấp bất động sản. Bởi thực tế mảnh đất liên quan đã bị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi, nay bà T. chỉ kiện đòi lại 80 lượng vàng đã giao cho bà L. mà không kiện đòi đất nên tòa án nơi bà L. cư trú là tòa có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

Chỉ qua, chỉ lại

Năm 2007, nhiều khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ với Công ty TNHH Tân Hoàng Thân (trụ sở ở quận 10, TP.HCM), chủ đầu tư dự án chung cư Royal ở quận Bình Thạnh. Theo hợp đồng, năm 2008 chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ cho khách. Nếu chậm bàn giao, chủ đầu tư phải trả lãi 1,2%/tháng trên tổng số tiền khách hàng đã thanh toán...

Đến thời điểm cam kết, chủ đầu tư chưa bàn giao căn hộ, trong khi một số khách hàng đã thanh toán đến 70%-80% giá trị hợp đồng. Tháng 6-2010, 10 khách hàng đã khởi kiện chủ đầu tư ra TAND quận Bình Thạnh, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng thời phải trả tiền lãi phạt do chậm bàn giao căn hộ.

Trong số 10 trường hợp này, TAND quận Bình Thạnh thụ lý bảy trường hợp, còn ba trường hợp tòa đề nghị chuyển sang TAND quận 10, nơi Công ty Tân Hoàng Thân có trụ sở.

Không đồng tình, ba khách hàng này đã khiếu nại lên chánh án TAND quận Bình Thạnh. Chánh án tòa này vẫn giữ nguyên quyết định chuyển hồ sơ. Vì thế, tháng 12-2010, ba khách hàng đã khiếu nại đến TAND TP. Theo họ, trước khi khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh, họ đã từng đến TAND quận 10 và được hướng dẫn là phải kiện tại nơi có dự án chung cư, tức TAND quận Bình Thạnh.

Hiện nội bộ ngành tòa án đang có hai luồng quan điểm trái ngược: Có người nói tòa nơi có bất động sản phải giải quyết nhưng cũng có người bảo bất động sản chưa hoàn thành, vụ kiện phải được giải quyết tại nơi bị đơn đang cư trú…

Cần sớm hướng dẫn

Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản nhưng điều luật lại không hề đề cập đến tình huống nếu bất động sản đó hiện chưa hoặc không còn tồn tại trên thực tế thì sao. Chính vì vậy mới có chuyện mỗi tòa vận dụng một lý lẽ để từ chối thụ lý đơn kiện. Để tránh việc tòa này đùn đẩy cho tòa kia làm khổ người dân, TAND Tối cao cần sớm có hướng dẫn về thẩm quyền xét xử sơ thẩm dạng tranh chấp này.

Phó chánh án TAND một quận ở TP.HCM

Tòa nơi bị đơn cư trú

Theo luật định, người dân có quyền lựa chọn tòa để giải quyết vụ án của mình, có thể là tòa nơi có bất động sản hoặc tòa nơi bị đơn đang cư trú. Nhưng theo tôi, lựa chọn tòa nơi bị đơn đang cư trú sẽ dễ dàng giải quyết hơn.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tòa nơi có bất động sản

Theo tôi, tòa án nơi có bất động sản nên giải quyết các tranh chấp này dù bất động sản hiện chưa có hoặc không còn tồn tại. Bởi trong quá trình giải quyết vụ án, có thể xảy ra rất nhiều sự việc xoay xung quanh bất động sản. Nếu phát hiện một trong những quyết định của cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp về bất động sản đó, tòa còn có quyền kiến nghị theo luật định trong bản án của mình.

Thẩm phán TAND một quận tại TP.HCM

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110622112924452p0c1063/toa-dun-day-viec-duong-su-kho-so.htm