Tòa giải tỏa kê biên bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan theo kháng án của con gái ông Trần Bắc Hà
'Tòa thấy việc giải tỏa kê biên nhà đất trên là phù hợp với pháp luật và hoàn cảnh thực tế', bản án nêu. Với 6 bất động sản còn lại cùng các tài sản khác là cổ phiếu, tiền trong tài khoản cần tiếp tục kê biên, ngăn chặn giao dịch.
Trải qua 2 ngày xét xử, chiều 29/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng BIDV.
Trong vụ án này có 3 bị cáo kháng án gồm Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng).
Trong đơn, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, hai bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ kháng cáo gồm bà Nguyễn Khuê Phong (vợ bị cáo Dũng); bà Ngô Kim Lan và Trần Lan Phương (vợ và con ông Trần Bắc Hà)… Song do bà Ngô Kim Lan đã mất nên chị Trần Lan Phương kế thừa quyền và nghĩa vụ cho bà Lan.
Chị Phương đề nghị giải tỏa kê biên, ngăn chặn giao dịch với 2 bất động sản tại TP.HCM gồm nhà đất số 60A Bà Huyện Thanh Quan và nhà đất tại phường Hiệp Bình Chánh; số tiền 7 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng vì đây là những tài sản sở hữu riêng của bà Lan.
Cấp phúc thẩm cho rằng, 2 bất động sản trên và 5 nhà đất khác bị kê biên được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, trước thời điểm ông Trần Bắc Hà sai phạm. Do đó, việc tiếp tục kê biên, ngăn chặn giao dịch để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Bình Hà và Trung Dũng là cần thiết.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không tuyên cụ thể trách nhiệm của ông Trần Bắc Hà phải hoàn trả cho BIDV, gây khó khăn cho quá trình thi hành án.
Tòa phúc thẩm cho rằng, chị Trần Lan Phương xuất trình tài liệu thể hiện nhà đất ở 60A Bà Huyện Thanh Quan có nguồn gốc là tài sản em gái bà Lan tặng cho năm 2013. Năm 2017, ông Trần Bắc Hà và Ngô Kim Lan có văn bản thỏa thuận được công chứng chứng thực là tài sản riêng của bà Lan. Theo Điều 32 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014, nhà đất trên được xác định là tài sản riêng.
Mặt khác, theo trình bày của chị Phương, chị và 4 con đang có hộ khẩu thường trú tại số 60A Bà Huyện Thanh Quan cùng vợ con của Trần Duy Tùng (em trai chị Phương, hiện đang bỏ trốn) sinh sống tại đây.
“Tòa thấy việc giải tỏa kê biên nhà đất trên là phù hợp với pháp luật và hoàn cảnh thực tế”, bản án nêu. Với 6 bất động sản còn lại cùng các tài sản khác là cổ phiếu, tiền trong tài khoản cần tiếp tục kê biên, ngăn chặn giao dịch.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng.
Không chấp nhận kháng cáo kêu oan và giảm án
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Văn Dũng liên tục kêu oan cho rằng không chiếm đoạt tiền của BIDV, số tiền ông Lâm Tăng Khoát - Giám đốc Công ty Hatechco chuyển vào tài khoản của bị cáo là tiền cho vay. Luật sư của bị cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Tòa phúc thẩm cho rằng, bị cáo Đinh Văn Dũng thừa nhận đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty Bình Hà. Bị cáo tham gia góp vốn, điều hành trực tiếp công ty, ký kết hợp đồng kinh tế xây lắp và bán bò với các nhà thầu và Công ty Hatechco. Tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lâm Tăng Khoát khẳng định số tiền chuyển vào tài khoản của Đinh Văn Dũng là tiền bán bò, không phải là tiền cho vay hay tiền nhà thầu trích lại 20%.
“Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 12 năm tù, liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 23,5 tỷ đồng là có căn cứ, không oan”, bản án phúc thẩm nêu.
Các bị cáo nghe tuyên án.
Với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn, tòa phúc thẩm cũng không chấp nhận. Bởi lẽ, HĐXX cho rằng, các bị cáo chiếm đoạt số tiền lớn là hơn 263 tỷ đồng, ảnh hưởng xấu đến ngân hàng.
"Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Dũng 18 năm tù là không nặng. Còn bị cáo Sơn bị phạt 3 năm tù là quá nhẹ. Bị cáo Sơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết mới nên không được chấp nhận. Bị cáo có đơn cam kết sẽ trả nợ ngân hàng trong thời hạn 3 năm trong khi không có tài sản khắc phục là không khả thi", chủ tọa nhấn mạnh.
HĐXX xác định, bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho L/C để mua bán lòng vòng rồi chiếm đoạt số tiền 263 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, đã mất) chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền 1.664 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, vào cuối năm 2020, tòa sơ thẩm đã xử phạt 8 bị cáo là cựu lãnh đạo BIDV mức án từ 3 năm 6 tháng tù – 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Những người này không kháng cáo.