Tòa hoài nghi thần chú 'lo ngại về an ninh quốc gia', ông Trump khó gây áp lực với TikTok
Áp lực chính quyền Trump tạo ra với ByteDance và TikTok bị giảm bớt sau khi thẩm phán chặn lệnh cấm tải xuống ứng dụng này.
Phán quyết của thẩm phán hôm 27.9 tạm thời chặn lệnh loại bỏ TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng Apple và Google làm chùn bước chính quyền Donald Trump trong nỗ lực ép Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải bán nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến.
Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 6.8 để cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance hoặc TikTok sau 45 ngày. Ngày 14.8, ông Trump ban hành lệnh hành pháp cho ByteDance 90 ngày thoát vốn khỏi hoạt động kinh doanh của TikTok ở Mỹ hoặc bán ứng dụng cho công ty nước này. Lệnh đó sẽ có hiệu lực vào ngày 12.11 và TikTok sẽ bị tạm dừng hoạt động ở Mỹ nếu chưa đạt thỏa thuận để tồn tại.
Ngày 27.9, thẩm phán Tòa án Quận Columbia ở Washington, ông Carl Nichols ban hành quyết định sơ bộ cho phép TikTok vẫn hiện diện trên các cửa hàng ứng dụng của Mỹ, nhưng từ chối chặn các hạn chế bổ sung của Bộ Thương mại có hiệu lực vào ngày 12.11 tới. Các hạn chế này sẽ chặn tất cả giao dịch với TikTok, theo đó ứng dụng không được lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ, gây khó khăn cho việc truy cập và sử dụng.
Có lẽ thẩm phán cần thêm thời gian nữa mới đưa ra phán quyết cuối cùng để giải quyết vấn đề như liệu lệnh cấm TikTok của chính quyền Trump có vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo đảm theo hiến pháp không.
Song, ngay cả việc tạm dừng hoạt động TikTok ở Mỹ cũng là bước lùi cho chiến lược với Trung Quốc của Tổng thống Trump khi các thẩm phán tỏ ra hoài nghi về việc chính quyền có những lo ngại về kinh tế và an ninh không.
"Tôi rất vui khi tòa án đã ban hành lệnh ngăn chặn việc thực hiện lệnh cấm TikTok, có thể sẽ chặn người dùng mới tải xuống ứng dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách bảo vệ quyền của người dùng, đối tác, nghệ sĩ, nhân viên, doanh nghiệp và người sáng tạo của mình”, CEO TikTok tạm thời, bà Vanessa Pappas tweet.
Trước đó, thẩm phán Laurel Beeler ở San Francisco đã chặn lệnh cấm tải xuống WeChat theo kế hoạch của chính quyền Trump, đáng ra có hiệu lực từ 11 giờ 59 tối 20.9. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết việc ngăn lệnh cấm sẽ “làm thất vọng và giảm quyết tâm của tổng thống về cách tốt nhất để giải quyết các mối đe dọa với an ninh quốc gia”.
Washington cảnh báo rằng thông tin cá nhân người dùng Mỹ có thể bị chuyển cho Chính phù Trung Quốc thông qua hai ứng dụng này, đặc biệt nhấn mạnh vào TikTok, được 100 triệu người sử dụng mỗi tháng chỉ riêng ở Mỹ.
Hôm 27.9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chính phủ sẽ kiên quyết bảo vệ lệnh hành pháp và nỗ lực thực hiện nó, cho thấy cuộc kháng cáo đang diễn ra.
Trước đó 3 ngày, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu thẩm phán Laurel Beeler cho phép chính phủ ngay lập tức cấm tải xuống WeChat ở Mỹ, nói rằng ứng dụng của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Hồ sơ của Bộ Tư pháp cho biết phán quyết của Laurel Beeler là sai và "cho phép tiếp tục sử dụng WeChat, ứng dụng di động mà chi nhánh điều hành đã xác định là mối đe dọa với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".
Để củng cố cho lập luận của mình, Bộ Tư pháp Mỹ công bố các phần công khai của bản ghi nhớ ngày 17.9 của Bộ Thương mại nêu rõ các giao dịch WeChat bị cấm: “Ứng dụng di động WeChat thu thập và truyền thông tin cá nhân nhạy cảm của người dân Mỹ, Tencent có thể truy cập được thông tin này và lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc cùng Canada”.
Cuối tháng 7.2020, Tổng thống Trump cho biết có kế hoạch cấm TikTok và sau đó buộc ByteDance phải bán dịch vụ này cho công ty Mỹ hoặc đối mặt với việc bị loại khỏi nước này.
Những lời đe dọa trên cùng thời hạn mà lệnh điều hành đưa ra đã thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa ByteDance với Oracle và Walmart nhằm đạt được thỏa thuận thành lập một công ty mới cho các hoạt động quốc tế của TikTok có tên TikTok Global. Trong đó Oracle và Walmart sở hữu 20% cổ phần.
Thỏa thuận cuối cùng đã đến chậm hơn do ByteDance và Oracle vẫn chưa giải quyết được những khác biệt về các chi tiết cụ thể, bao gồm cổ phần sở hữu và thành phần của hội đồng quản trị. Phán quyết của thẩm phán Carl Nichols đã loại bỏ hạn chót đáng ngại cho TikTok, làm chính quyền Trump khó gây áp lực lên ByteDance.
Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đặt ra một rào cản khác. Dù ByteDance đã đệ đơn xin giấy phép xuất khẩu công nghệ lên chính quyền Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có khả năng sẽ không phê duyệt.
Một số nhà quan sát nhận định, các lệnh cấm bị thẩm phán chặn tạo ra bước ngoặt về chiến lược của Washington với Bắc Kinh. Các tòa án đã chấp nhận phần lớn lập luận của chính quyền Trump để thực hiện biện pháp mạnh tay với Huawei và áp thuế bổ sung với thép, nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng việc cấm TikTok và WeChat không diễn ra như kế hoạch.
Nhiều lệnh hành pháp của ông Trump, bao gồm cả lệnh cấm WeChat và TikTok, viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế. Đây là đạo luật năm 1977 trao cho tổng thống quyền rộng rãi để điều chỉnh thương mại quốc tế nhằm đối phó với các trường hợp khẩn cấp như tấn công khủng bố. Việc ông Trump thường xuyên sử dụng những quyền lực này cũng đã gây tranh cãi trong quá khứ.
Các phán quyết của thẩm phán với TikTok và WeChat cho thấy rằng, chỉ trích dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia sẽ không đủ để chính quyền Trump yêu cầu các tòa án ủng hộ mục tiêu chính sách của mình.
Trong phán quyết ngăn lệnh cấm tải xuống WeChat, thẩm phán Laurel Beeler viết rằng: "Trong khi chính phủ xác nhận rằng các hoạt động của Trung Quốc gây ra những lo ngại đáng kể về an ninh quốc gia thì họ đã đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy lệnh cấm WeChat có hiệu lực với tất cả người dùng Mỹ sẽ giải quyết những lo ngại đó".