Tỏa rạng khí phách, quật cường cách mạng

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc trưng về khí phách, về tinh thần cách mạng của người Hà Tĩnh ngày càng được bồi đắp thêm nhiều giá trị mới.

Trên dải đất Việt Nam thân thương, Hà Tĩnh là mảnh ghép không lớn nhưng lại trầm tích nhiều vỉa tầng văn hóa giá trị. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những phẩm chất, cốt cách truyền thống của người Hà Tĩnh ngày càng tô đậm thêm những giá trị ấy. Trong đó, đặc trưng về khí phách, về tinh thần cách mạng của người Hà Tĩnh đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong các thời kỳ lịch sử đất nước.

 Mạch nguồn sông núi đã hun đúc nên những phẩm chất cao quý của các thế hệ người Hà Tĩnh. Ảnh Đậu Hà.

Mạch nguồn sông núi đã hun đúc nên những phẩm chất cao quý của các thế hệ người Hà Tĩnh. Ảnh Đậu Hà.

Không phải ngẫu nhiên mà mảnh đất này được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”, cũng không phải ngẫu nhiên mà trong thời kỳ phong kiến, tính gàn của những ông đồ Nghệ lại nổi danh. Loại bỏ những yếu tố không hay trong đặc trưng “gàn” thì cái được nhất chính là tinh thần đấu tranh cho lẽ phải. Lịch sử cho thấy, người Hà Tĩnh xưa không e ngại dấn thân khi thấy việc mình làm là đúng. Và một khi đã cho là đúng thì dẫu khó khăn bao nhiêu, thua thiệt thế nào vẫn làm. Chính cái khí phách đó đã dẫn đến một phẩm chất khác - kiên trung. Nghĩa là, nếu thấy đúng thì họ theo mà đã theo thì trung thành tuyệt đối; họ cũng sẵn sàng can gián nếu thấy sai, nếu can gián không được thì sẵn sàng từ bỏ tiền tài, danh vọng.

Một nghiên cứu khoa học lịch sử chỉ ra rằng, dưới chế độ phong kiến, khí phách của người Hà Tĩnh được biểu thị rõ nhất ở giai đoạn cuối đời Trần đến đời Hậu Lê. Trong giai đoạn này, hầu hết quan Ngự sử - một chức quan được phép can gián vua và hoạch tội các quan trong triều - chủ yếu được giao cho người Hà Tĩnh, với 56 vị. Trong đó, tiêu biểu như Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ - làm quan Ngự sử dưới đời vua Lê Thái Tổ, làm Ngự sử trung thừa đời vua Lê Thái Tông, đến đời vua Lê Nhân Tông lại kiêm thêm chức Đồng tri Tây đạo, rồi thăng Tham tri chính sự. Ông luôn bày tỏ chính kiến rõ ràng, xét xử sáng suốt công minh, có lòng nhân đạo, không xu nịnh, không sợ quyền thế, phê phán nạn chuyên quyền, can gián vua không nghe theo lời sàm tấu. Tính cương trực, ngay thẳng và sự thông minh tài trí của ông gây được sự tin cậy ở nhà vua, là một vị quan có uy tín trong triều đình.

 Cụ Phan Đình Phùng. Ảnh tư liệu

Cụ Phan Đình Phùng. Ảnh tư liệu

Dưới thời nhà Nguyễn, quan Ngự sử Phan Đình Phùng cũng để lại những dấu ấn sâu đậm về khí phách con người Hà Tĩnh. Chuyện kể lại, dưới thời vua Tự Đức, nhờ tính cương trực mà Phan Đình Phùng được phong làm Ngự sử. Với vị trí đó, ông đã thanh tra và loại bỏ được nhiều quan lại bất tài, tham nhũng. Tuy nhiên, khí phách con người Phan Đình Phùng không dừng lại ở đó mà còn bộc lộ rõ hơn khi ông phản đối quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết phế truất vua, dẫn đến bị tước hết chức vị và ngồi tù rồi bị đày về quê nhà; khi ông bỏ qua hiềm khích mà đứng ra tổ chức các đội quân nổi dậy hưởng ứng phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi khởi xướng nhằm đánh đuổi giặc Pháp; và sau này, khi vua Hàm Nghi thất thủ, Phan Đình Phùng vẫn kiên quyết không khuất phục, dẫn nghĩa quân vào rừng Vũ Quang lập căn cứ, chiến đấu suốt nhiều năm trời, khiến thực dân Pháp phải nhiều phen chao đảo.

Khí phách của người Hà Tĩnh còn thể hiện trong nhiều hành động của nhiều vị tướng, danh nhân kiệt xuất, dám xả thân vì đất nước, dám từ bỏ vinh hoa phú quý vì thấy được cái sai, như cha con Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… Khí phách đó cũng thấm sâu, lan tỏa trong cách các thế hệ người Hà Tĩnh ứng phó với thiên tai, giặc giã, với đói nghèo… Để từ đó, cùng với tiến trình lịch sử đất nước, dần hình thành nên một phẩm cách mới - con người cách mạng.

Điều này thể hiện rõ trong tinh thần giác ngộ của người Hà Tĩnh trước khi Đảng ra đời. Đó là sự giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp rồi đến giác ngộ về Đảng, cùng Đảng và Bác Hồ tìm đến con đường cách mạng. Những tên tuổi đầu tiên làm nên đặc trưng con người cách mạng như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Ngọc Danh, Ngô Đức Trì - những sinh viên xuất sắc tại Đại học Phương Đông. Sau này, đồng chí Trần Phú trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và nối tiếp làm Tổng Bí thư là đồng chí Hà Huy Tập. Kế đó là ức triệu người thuộc nhiều thế hệ đã nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, anh dũng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

 Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (diễn ra ngày 17/4/2024).

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (diễn ra ngày 17/4/2024).

Nối tiếp tinh thần của phong trào Cần Vương, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao tinh thần cách mạng, anh dũng chiến đấu, đánh bại các cuộc tập kích, xâm nhập phá hoại của kẻ thù. Bên cạnh đó, còn tích cực xây dựng hậu phương mà thành công nhất là xây dựng được các an toàn khu ở phía Tây tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các xưởng sản xuất vũ khí, các xưởng chế biến hóa chất, dược liệu, xưởng in bạc của Liên khu IV và cả Trung bộ hoạt động, đáp ứng yêu cầu của các chiến trường. Không chỉ có thế, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (từ 1945-1954), Hà Tĩnh có 43.780 thanh niên gia nhập quân đội, 32.600 người đi dân công hỏa tuyến; toàn tỉnh đóng góp 27.388.200 ngày công phục vụ kháng chiến, cung cấp cho các mặt trận 161.830 tấn lương thực, thực phẩm...

 Tranh sơn dầu tái hiện lại hào khí đấu tranh của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tranh sơn dầu tái hiện lại hào khí đấu tranh của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ ở giai đoạn quyết liệt nhất, Hà Tĩnh trở thành “yết hầu”, thành huyết mạch, tuyến lửa giữa tiền tuyến và hậu phương, bị địch đánh phá ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,

“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… Từ năm 1965-1975, toàn tỉnh có 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hỏa tuyến, 10.636 TNXP. Để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường.

Kết thúc 2 cuộc kháng chiến, nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT với những tên tuổi đi vào huyền thoại như Phan Đình Giót, 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, La Thị Tám... nhiều bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và Nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương cao quý.

 Chiến trường Đồng Lộc năm 1968. Ảnh tư liệu

Chiến trường Đồng Lộc năm 1968. Ảnh tư liệu

Trong thời bình, tinh thần cách mạng và khí phách ấy không hề mai một. Con người Hà Tĩnh hôm nay là những chủ thể năng động, sáng tạo, ham học hỏi, hăng hái đi đầu trong thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nổi bật như các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, chuyển đổi số… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Đảng bộ, chính quyền cũng như toàn thể cán bộ, người dân đều sẵn sàng hy sinh vì chủ trương chung, vì một đất nước phát triển phồn thịnh, trường tồn.

Nhìn lại hành trình của người Hà Tĩnh từ những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho đến lúc đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta nhận thấy rằng, lòng yêu nước, khí phách can trường cùng tinh thần cách mạng chưa bao giờ tắt. Con người nơi đây không chỉ là sản phẩm của lịch sử, mà còn là chứng nhân, là người viết nên lịch sử bằng chính sự tỏa rạng của khí phách và tinh thần cách mạng quật cường đó.

Phong Linh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/toa-rang-khi-phach-quat-cuong-cach-mang-post286800.html