Tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam
Trong trường ca “Đất nước hình tia chớp” tác giả Trần Mạnh Hảo viết “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/ Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/ Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/ Chọn vùng tâm bão để sinh con” đã nói lên nguồn gốc dân tộc, vị trí đắc địa, cũng như nơi đầu sóng ngọn gió của một đất nước luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa . Vì vậy, ngay từ buổi bình minh lịch sử, khai thiên lập địa, con Lạc cháu Hồng luôn ý thức được rằng, muốn tồn tại và phát triển phải luôn chung sức, đồng lòng, cố kết dân tộc. Trải qua các cuộc đấu tranh chống chọi với tự nhiên và địch họa, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, anh em, sớm tạo nên một đặc trưng văn hóa nổi bật của Việt Nam: tư tưởng yêu nước thấm sâu và bao trùm mọi lĩnh vực. Các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thủy đã sớm được cố kết lại, trở thành cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, nhân văn, nhân ái, thủy chung... Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, sợi chỉ đỏ xuyên suốt truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để rồi trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách của chiến tranh, địch họa, người Việt Nam luôn và đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp. Điều này đã được minh chứng sống động qua các cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn ra ở Vũ Hán - Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh ở nhiều nước trên thế giới, khu vực, tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, đề ra các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể… và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, giữa lúc tình hình đại dịch trong nước có diễn biến phức tạp, ngay lập tức, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc chống dịch COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch, mà còn khơi dậy niềm tin, sự quyết tâm cao trong mỗi người Việt Nam đồng lòng, chung sức quyết chiến, chiến thắng dịch COVID-19. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân “Ở nhà là yêu nước” để hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Thủ tướng cũng chỉ đạo “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài” chống “kẻ thù dấu mặt, trá hình”, COVID-19. Ngay từ khi có ca nhiễm dịch đầu tiên, các địa phương đã chủ động nắm tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, chủ động ứng phó và giải quyết những tình huống diễn biến phức tạp do dịch bệnh gây ra.
Không chỉ ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào cuộc chống đại dịch COVID-19, Chính phủ còn phê duyệt Nghị quyết Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, có 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Đây chính là truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những cây ATM gạo, những hình thức phát quà từ thiện đã xuất hiện trên khắp các tỉnh, thành phố chung tay cũng Nhà nước giúp đỡ những người khó khăn khi dịch bệnh còn kéo dài.
Từ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta, toàn xã hội đã thể hiện quyết tâm chống đại dịch COVID-19 bằng tâm thế, niềm tin, sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, những “thiên thần Áo Trắng” và những chàng “siêu nhân Áo Xanh” sẵn sàng đi đầu trên trận tuyến chống “giặc” – COVID-19. Có người lính áo trắng đã hoãn ngày cưới để tập trung chăm sóc bệnh nhân COVID-19, có người phải cắt bỏ đi mái tóc yêu thích để thuận tiện khi mặc đồ bảo hộ. Có những y, bác sĩ từ tết đến nay vẫn chưa về nhà, hai vợ chồng cùng làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mà không được gặp mặt, con gửi về ông bà chăm sóc, họ chỉ có thể gặp vợ, con, bố mẹ già qua những màn hình điện thoại, gửi cho nhau lời động viên. Họ là những người lính thực thụ, gác tình riêng để thực hiện nhiệm vụ chung với quốc gia. Vì nghĩa đồng bào, nhiều chuyến bay từ Việt Nam đã sang đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương với phương châm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “ Những trường hợp thật sự cần thiết phải về nước, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức để lo cho bà con. Đó là nghĩa đồng bào”. Cùng Chính phủ chống “giặc”, nhiều người dân trên mọi miền Tổ quốc góp sức người, sức của để mua phương tiện y tế, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn. Những phòng điều trị áp lực âm trị giá hàng tỉ đồng, cùng nhiều trang thiết bị y tế được quyên góp bởi nhiều nghệ sĩ, doanh nhân và cả những khoản “của ít lòng nhiều” từ bà con cả nước đã thể hiện đậm nét lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng! Những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các khu cách ly tại các địa phương, cứu chữa bệnh nhân tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia y tế Việt Nam giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; tạo động lực để người dân cả nước cùng quyết tâm, đồng hành vượt qua mọi khó khăn. Bên cạnh đó, sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân cùng chống “giặc” thể hiện tinh thần “Đảng và dân cùng ý chí”. Điều đó được thể hiện đậm nét, mỗi quyết sách của Chính phủ thời gian qua được đưa ra đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh ngay khi phát hiện, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó sẽ tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Lòng yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng của dân tộc ta luôn được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách. Tất cả được hội tụ và tỏa sáng trong thời khắc lịch sử, cả nhân loại đang phải đối mặt với kẻ thù dấu mặt – COVID-19.
Cùng với tinh thần yêu nước, đoàn kết, người Việt Nam còn thể hiện cách ứng xử nhân văn, nhân ái, đầy tình người với bạn bè và du khách quốc tế. Bạn bè và du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, công tác bị mắc COVID-19 đều nước đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia y tế điều trị tận tình, chu đáo. Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mà Việt Nam đã, đang thực hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, có lẽ không chỉ ở hiệu quả mà còn ở cách ứng xử thân thiện, văn minh, hết mình với công dân các quốc gia khác. Người nước ngoài đến từ vùng có dịch, tiếp xúc, có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc dương tính với COVID-19 được chăm sóc, ứng xử như công dân Việt Nam dù dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội nước ta. Tại các địa phương, du khách nước ngoài được vận động đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch rửa tay khô, thậm chí được phát khẩu trang miễn phí... Điều đó trái ngược hoàn toàn với việc người châu Á, trong đó có công dân Việt Nam bị phân biệt, bị kỳ thị khi sử dụng khẩu trang tại một số quốc gia châu Âu. Mới đây, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward đã làm video clip gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và các y, bác sĩ nước ta đã hỗ trợ, giúp đỡ công dân quốc gia này trong thời gian dịch bệnh. Tuần báo l’Obs của Pháp đánh giá cao các biện pháp chống dịch của Việt Nam, trong đó khẳng định "Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu" trong cuộc chiến này. Và, một người Pháp sống ở Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm trước, đang tiến hành các biện pháp đơn giản song triệt để nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.
Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với virus đã được điều trị, xuất viện, trở lại cuộc sống bình thường. Những tín hiệu vui mừng đó chính là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu trấn an tâm lí người dân, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, học tập… Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, các nước Đông Nam Á... lại có những biến động bất thường với số ca nhiễm mới và tử vong có chiều hướng gia tăng. Vì thế, chúng ta vẫn luôn xác định không chủ quan, coi thường, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể nảy sinh. Từ những ứng phó, ứng xử kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, nhân dân trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh - kẻ thù “dấu mặt trá hình” đã cho chúng ta những bài học quý mang đậm triết lý nhân sinh. Dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội và nhiều người, nhưng nó cũng là một phép thử đối với khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân. Đó là những kháng thể tinh thần, đề kháng văn hóa không thể thiếu để dân tộc ta vượt qua tai ương - một trong những cách ứng xử rất Việt Nam mà bạn bè thế giới mến phục.
Thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch ở nước ta đã thể hiện ý chí, sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, hài lòng với những kết quả đã làm được, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh. Điềm tĩnh, khoan dung, trách nhiệm và thương yêu là những gì cần thiết để giữ cho được sự kết nối hài hòa và trách nhiệm giữa cá nhân với đồng loại, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Niềm tin, tình thương yêu, tinh thần hướng về cộng đồng sẽ tạo được sức mạnh kỳ diệu để tạo nên giá trị, tầm vóc cho cả một dân tộc, quốc gia. Và, khi “sức đề kháng” tinh thần của mỗi cá nhân, cả dân tộc khỏe mạnh, triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước sẽ tiếp tục đi lên “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.