Tỏa sáng giữa đời thường

PTĐT - Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn thương binh, bệnh binh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng đã đến thăm, tặng quà, động viên tập thể Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng đã đến thăm, tặng quà, động viên tập thể Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

PTĐT - Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn thương binh, bệnh binh. Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ trung kiên, bất khuất, sẵn sàng quên mình nơi chiến tuyến để bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, họ lại trở về xây dựng quê hương, hăng say lao động sản xuất. Mặc dù nhiều người cơ thể không còn lành lặn, vẹn nguyên, nhưng với khí chất Bộ đội Cụ Hồ, họ luôn vững vàng và tỏa sáng trên mọi mặt trận, nhất là mặt trận kinh tế, văn hóa - xã hội.

Những thương binh “tàn nhưng không phế”
3.700 gốc bưởi trên diện tích 8,6ha đã được 5 năm tuổi là những con số ấn tượng với tôi khi đến thăm và trò chuyện với thương binh Vũ Hữu Lợi, khu Minh Tân, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập. Là thương binh hạng 2/4, bị mất một cánh tay khi tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Trở về địa phương khó khăn chồng chất khó khăn, hai vợ chồng ông bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, xoay qua đủ nghề để đảm bảo cuộc sống. Vất vả với gánh nặng mưu sinh, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương cũng như của khu dân cư. Từ năm 1994 đến nay đã có 4 kỳ HĐND ông là đại biểu của xã, nhiều năm là trưởng khu và 24 năm làm bí thư chi bộ. Với một bên tay còn lành lặn, một người vợ chịu thương chịu khó, những đứa con ngoan ngoãn khỏe mạnh, ông đã gây dựng mô hình trồng trọt mà nhiều người mơ ước. Thương binh Vũ Hữu Lợi chia sẻ: Trước gia đình chủ yếu trồng keo, nhưng sau vài năm thấy hiệu quả kinh tế chưa như mong muốn. Tự nghiên cứu, tìm tòi thấy thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây bưởi, tôi mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù mới bước sang năm thứ 5 nhưng hiệu quả cho thấy rất khả quan.Trong câu chuyện với chúng tôi, lúc nào ông Lợi cũng nở một nụ cười. Nhưng tôi biết nụ cười đó được góp bằng biết bao giọt mồ hôi, biết bao nỗ lực cố gắng của ông và gia đình. Như lời người vợ gắn bó hơn 40 năm qua với ông tâm sự: Với người lành lặn làm được như ông ấy đã là cả một sự cố gắng. Nhớ những ngày đầu tiên ông ấy tập sinh hoạt chỉ bằng một tay trái ai có thể nghĩ ông tổ chức đưa đất màu, phân bón lên đồi núi đá để trồng bưởi. Ông ấy thương tôi vất vả, thương các con thiếu thốn nên ngày nào cũng cố.Không chỉ góp sức mình trên mặt trận phát triển kinh tế, những thương, bệnh binh còn là tấm gương đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Khi nhắc đến những đóng góp đó, nhiều người vẫn còn nhớ câu nói của thương binh Luân Xuân Nghiêm, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ: Hai con mắt tôi còn hiến được cho cách mạng, huống hồ đất đai cây cối. Ông là một trong những thương binh đi dầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn với hàng trăm m2 đất. Tương tự thương binh Luân Xuân Nghiêm, đầu năm 2020, CCB Sái Minh Vệ, khu 8, xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh đã tự nguyện hiến gần 1.400m2 để mở đường giao thông. Anh tâm niệm: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, bản thân gia đình tôi cũng chăm lo phát triển kinh tế nên có điều kiện để ủng hộ các phong trào của địa phương. Có chủ trương mở đường, thuận lợi cho việc đi lại của bà con, tôi thấy đây là việc cần thiết nên đã vận động gia đình hiến đất, giải phóng mặt bằng để đường làng ngõ xóm được thông thoáng.Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng, những khi trái gió trở trời, ảnh hưởng của vết thương, của những chứng bệnh mang từ các chiến trường nhưng các thương, bệnh binh đều luôn tâm niệm mình là người chiến sĩ cách mạng, cố gắng để vượt lên chính mình.

Thương binh Vũ Hữu Lợi, khu Minh Tân, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập vượt lên khó khăn đầu tư trồng 3.700 gốc bưởi Diễn bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Thương binh Vũ Hữu Lợi, khu Minh Tân, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập vượt lên khó khăn đầu tư trồng 3.700 gốc bưởi Diễn bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Điểm tựa cho thương binh, bệnh binhTrong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải quyết chính sách đối với người có công nói chung và thương binh, bệnh binh nói riêng. Công tác tuyên truyền triển khai được thực hiện kịp thời, chế độ chính sách được phổ biến đầy đủ, công khai, những tồn đọng về chính sách đã được giải quyết có hiệu quả góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Thủy- Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ khi phòng đi vào hoạt động, công tác quản lý, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công luôn đảm bảo chặt chẽ, những vướng mắc hầu hết được giải quyết từ cấp cơ sở, hạn chế đơn thư kiến nghị vượt cấp.Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng. Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội. Các chính sách: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần; hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, điều dưỡng, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ về nhà ở… luôn được các cấp ủy, chính quyền, ngành lao động, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm và thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cùng các cấp, các ngành duy trì việc thăm hỏi động viên các gia đình người có công trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7; Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn của dân tộc.Với vai trò là tổ chức tập hợp, đoàn kết, động viên các thế hệ CCB, Hội CCB các cấp đã duy trì nhiều hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”, “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Nghĩa tình-khuyến học”. Không chỉ là điểm tựa về vật chất mà tổ chức Hội CCB là điểm tựa tinh thần cho mỗi CCB là thương, bệnh binh. Phó Chủ tịch Hội CCB Phạm Đức Thọ khẳng định: “Các thương binh, bệnh binh chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số hội viên CCB. Là lực lượng đông, có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc kháng chiến, nhưng Hội CCB luôn xác định tư tưởng phải giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không kiêu ngạo, tiếp tục đóng góp với đồng đội. Các cấp hội luôn chăm lo đối tượng thương, bệnh binh, thăm hỏi động viên khi ốm đau; tổ chức các hoạt động thăm viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ, các chuyến về nguồn. Tổ chức hội cũng là cầu nối để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nhiều thương binh, bệnh binh là chủ doanh nghiệp, chủ mô hình phát triển kinh tế giúp đỡ được đồng đội và nhân dân địa phương”.Một phần xương máu để lại nơi chiến trường, nhưng với những thương binh, bệnh binh được cống hiến cho Tổ quốc và trở về quê hương bên những người thân yêu đó là đã niềm hạnh phúc. Có những người trở thành chủ doanh nghiệp, là điển hình phát triển kinh tế, là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở địa phương hay là một người công dân mẫu mực. Dù ở trong hoàn cảnh nào, cương vị nào, mỗi thương binh, bệnh binh đều “tỏa sáng” phẩm chất người lính năm xưa giữa đời thường.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202007/toa-sang-giua-doi-thuong-172089