Tỏa sáng những tấm lòng nhân ái

Qua mười năm thực hiện, Cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' và các mô hình nhân đạo tiêu biểu do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam khởi xướng đã khảo sát, lập hồ sơ 2.577.835 địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp được 2.354.982 địa chỉ, với tổng các giá trị trợ giúp quy thành tiền đạt gần 3.813 tỷ đồng. Trong tổng số các địa chỉ được hỗ trợ, có 983.027 địa chỉ do các tổ chức hội, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện CTĐ hỗ trợ; 1.371.956 địa chỉ do hội vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác hỗ trợ.

Cán bộ T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà người nghèo tỉnh Gia Lai.

Cán bộ T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thăm, tặng quà người nghèo tỉnh Gia Lai.

Những năm qua nhiều phong trào, cuộc vận động của các cấp hội CTĐ được tổ chức có hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tạo ấn tượng và giành được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, không ít phong trào của hội được tổ chức ở quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính kế hoạch, chưa rõ sắc thái, hình ảnh. Trên phạm vi toàn quốc, Hội còn thiếu một phong trào hay cuộc vận động trọng tâm, xuyên suốt, phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của hội theo chủ trương trợ giúp nhân đạo gắn với phát triển bền vững; vai trò nòng cốt, cầu nối của hội chưa rõ và chưa được phát huy đầy đủ.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngay từ đầu năm 2008, Ban Chấp hành T.Ư Hội CTĐ Việt Nam (khóa VIII) đã phát động Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, với phương châm: “Mọi người cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp thích hợp”, nhằm trợ giúp trực tiếp, kịp thời và thiết thực các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực vận động nhân đạo của tổ chức hội, cán bộ, hội viên và vận động ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo, qua đó tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối của hội trong hoạt động nhân đạo.

Tại Quảng Bình, Hội CTĐ TP Ðồng Hới đã chọn phường Ðức Ninh Ðông để triển khai thí điểm mô hình “Hũ gạo tình thương”, bởi đây là địa bàn ngoài làm nông, còn có các nghề truyền thống như: mộc, nề, nuôi trồng thủy sản và hiện nay có sáu doanh nghiệp, 230 cơ sở sản xuất. Ðây là những lực lượng quan trọng góp phần giúp phường Ðức Ninh Ðông thực hiện hiệu quả mô hình nêu trên. Căn nhà ba gian lợp ngói trị giá 15 triệu đồng, trong đó mười triệu đồng do nhà hảo tâm Hoàng Kiều thông qua T.Ư Hội CTĐ tài trợ, năm triệu đồng do MTTQ, các đoàn thể và công sức người dân giúp đỡ xây tặng gia đình anh Huỳnh Văn Khánh, đã tạo cơ hội cho anh, cùng người chị gái có nơi ở đàng hoàng sau khi bố mẹ qua đời. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh Khánh, Hội CTĐ phường Ðức Ninh Ðông thường xuyên trích gạo từ “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ gia đình anh.

Phối hợp đoàn thầy thuốc tình nguyện tổ chức khám, cấp phát thuốc cho người nghèo tỉnh Sơn La.

Phối hợp đoàn thầy thuốc tình nguyện tổ chức khám, cấp phát thuốc cho người nghèo tỉnh Sơn La.

Ðể mô hình ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, Ban tổ chức “Hũ gạo tình thương” phường Ðức Ninh Ðông thường xuyên thảo luận, lấy ý kiến để thống nhất cách thực hiện hiệu quả nhất. Ngoài ra, các tình nguyện viên trong chi hội CTĐ phường chủ động phối hợp các đoàn thể đến từng gia đình tuyên truyền, vận động mỗi gia đình tự nguyện tiết kiệm gạo từ mỗi bữa ăn hằng ngày rồi bỏ vào “Hũ gạo tình thương” theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Những ngày đóng góp, sân nhà văn hóa như ngày hội, từ người già, trẻ, rồi các doanh nghiệp, tổ chức tấp nập đưa gạo đến. Người có gạo đem gạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có gạo, có thể đóng bằng tiền gửi ở các cửa hàng gạo tư nhân, khi cần, cán bộ CTĐ qua lấy rất thuận tiện.

Câu lạc bộ (CLB) “Máu nóng tim yêu thương”, thuộc Hội CTĐ quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, với 275 tình nguyện viên, trong năm 2018 đã vận động từ các nguồn được hơn một tỷ đồng. Từ số tiền nêu trên đã có điều kiện giúp 18 trường hợp mai táng cho người nghèo, 36 bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cứu trợ đột xuất cho 315 người nghèo và người già neo đơn, xây hai nhà tình thương, trao quà và học bổng tặng học sinh miền núi. Ngoài ra, CLB đã vận động thành viên hiến 859 đơn vị máu tình nguyện, trong đó hầu hết là hiến máu cho các trường hợp cấp cứu. CLB “Hiểu và thương”, thuộc Hội CTĐ quận Ngũ Hành Sơn, với gần 2.000 tình nguyện viên, hằng năm tổ chức các hoạt động nhân đạo với trị giá gần một tỷ đồng. CLB “Máu nóng tay yêu thương”, thuộc Hội CTĐ TP Đà Nẵng, với 1.642 tình nguyện viên đã vận động 450 triệu đồng cho các địa chỉ nhân đạo của hội.

Tổ chức hỗ trợ vốn cho người nghèo tỉnh Cà Mau.

Tổ chức hỗ trợ vốn cho người nghèo tỉnh Cà Mau.

Để bảo đảm việc khảo sát, lập hồ sơ đối tượng chính xác, đúng quy trình, nhiều tỉnh, thành hội đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở về quy trình khảo sát, lập hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”; phân công cán bộ cấp tỉnh, huyện trực tiếp về cơ sở cùng cán bộ hội khảo sát thí điểm và lập hồ sơ đối tượng, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng sang các địa bàn khác. Nhiều tỉnh, thành hội đã phối hợp chặt chẽ ngành lao động, thương binh và xã hội tại địa phương trong việc xác định tiêu chí lựa chọn, mẫu hồ sơ đối tượng và chính quyền cơ sở trong việc khảo sát, lập hồ sơ đối tượng cần trợ giúp, bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia giám sát của cộng đồng và người dân. Các hình thức trợ giúp thường sát nhu cầu của đối tượng, phù hợp vùng, miền, khả năng của nhà tài trợ, tập trung vào trợ cấp thường xuyên, khám, chữa bệnh, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, xây nhà CTĐ, cấp học bổng hoặc những hình thức hỗ trợ khác theo hướng phát triển bền vững.

Đồng chí Đặng Minh Tiến, Trưởng ban Công tác xã hội, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, cho biết, đây là cuộc vận động mang tính chiến lược, có tính xuyên suốt theo hướng trợ giúp gắn với phát triển bền vững, được thực hiện đúng hướng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đối tượng và yêu cầu đổi mới hoạt động nhân đạo trong bối cảnh có nhiều phong trào, cuộc vận động chồng chéo, nguồn lực phân tán. Thông qua cuộc vận động, năng lực vận động nhân đạo, tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhân đạo của tổ chức hội ở nhiều nơi được nâng lên; sự phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức trong hoạt động nhân đạo được củng cố. Đồng thời, tiếp tục góp phần chuyển hướng tư duy, nhận thức của hội về tổ chức hoạt động nhân đạo tại cộng đồng, về tính cộng đồng trách nhiệm trong trợ giúp người nghèo trên cơ sở phát triển quan hệ đối tác, từng bước khẳng định đầy đủ hơn vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của hội trong hoạt động nhân đạo. Cũng từ cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, thể hiện trách nhiệm xã hội, tình cảm sẻ chia của các tập thể, cá nhân, trong đó có sự nêu gương của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, góp phần lan tỏa sức mạnh nhân đạo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Đến nay, các cấp hội CTĐ cả nước đã hình thành 181 bếp ăn tình thương theo các hình thức và cấp độ khác nhau. Trong đó, có 146 bếp ăn tại bệnh viện (chiếm 85%); 35 bếp ăn tại cộng đồng (chiếm 15%). Tùy theo điều kiện, các bếp ăn tổ chức duy trì các suất ăn theo từng ngày hoặc tuần.

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo cả nước, từ năm 2010, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã triển khai dự án “Ngân hàng bò”, gắn liền mục tiêu của cuộc vận động, theo đó, mỗi hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tặng một con bò sinh sản. Con bê đầu tiên sau khi đủ 12 tháng tuổi sẽ được trao cho hộ gia đình nghèo khác. Tính đến nay, các cấp hội đã cấp 23.805 con, trị giá gần 288 tỷ đồng.

Bài và ảnh: TRỊNH SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/38896602-toa-sang-nhung-tam-long-nhan-ai.html