Tòa Tối cao ra nghị quyết hướng dẫn xử lý tội cho vay lãi nặng

Tùy trường hợp mà vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ bị tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc trả lại cho người vay tiền.

Ngày 20-12, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 01/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là một vấn đề nhức nhối cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an và đời sống của người dân. Tuy nhiên, quy định về việc xử lý các hành vi này trước đây vẫn còn nhiều kẽ hở. Nghị quyết ra đời nhằm hướng dẫn áp dụng đúng và thống nhất điều luật này.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 24-12-2021.

Có bị hại vay với mức lãi suất lên đến 1.738%/năm; vay 16,2 tỉ đồng nhưng phải trả trên 20 tỉ đồng và đến nay vẫn còn nợ trên 11 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Có bị hại vay với mức lãi suất lên đến 1.738%/năm; vay 16,2 tỉ đồng nhưng phải trả trên 20 tỉ đồng và đến nay vẫn còn nợ trên 11 tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất là cho vay lãi nặng

Nghị quyết giải thích một số từ ngữ. Cụ thể, "cho vay lãi nặng" là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Còn "thu lợi bất chính" là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Nghị quyết cũng đưa ra các nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng. Trong đó, cần xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính. Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.

Đáng chú ý, việc xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội này sẽ được xử lý theo hai hướng. Đối với khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay; tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS mà người phạm tội đã thu của người vay; tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác sẽ bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

Cạnh đó, sẽ trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước..

Hướng dẫn về tình tiết phạm tội 2 lần trở lên

Tại Điều 7 Nghị quyết đã quy định chi tiết việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) trong một số trường hợp. Cụ thể:

- Đối với trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS "phạm tội 2 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

- Đối với trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu TNHS với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS "phạm tội 2 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

- Đối với trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu TNHS với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS "phạm tội 2 lần trở lên" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLLHS.

- Đối với trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu TNHS theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Khi quyết định hình phạt, tòa áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 BLHS về phạm tội chưa đạt.

Đòi nợ "quá đà" bị xử thêm tội

Đối với trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/toa-toi-cao-ra-nghi-quyet-huong-dan-xu-ly-toi-cho-vay-lai-nang-1035191.html