Tòa xử đến 21h40, cựu đại tá Phùng Anh Lê nói sẽ kêu oan đến lúc chết
Đến 21h ngày 13/8, phiên tòa xét xử cựu đại tá Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn nóng phần tranh tụng. Khi nói lời sau cùng, bị cáo Lê kêu oan và nói sẽ kêu oan đến lúc chết.
Được quyền tự bào chữa, bị cáo Phùng Anh Lê tiếp tục kêu oan, phủ nhận cáo buộc của đại diện VKS. Cho rằng mình bị buộc tội mà chỉ dựa vào lời khai một chiều của ông Phùng Văn Bảy.
"Bị cáo không nên đưa tính mạng của người thân vào đây"
Bị cáo Lê mang tính mạng người thân ra để thề rằng mình không nhận tiền hối lộ khiến vị chủ tọa phiên tòa phải liên tục nhắc: “Bị cáo không nên đưa tính mạng của người thân vào đây”.
Trong phần tự bào chữa, cựu đại tá Phùng Anh Lê đề cho rằng, đại diện VKS đánh giá không khách quan về vụ việc, các chứng cứ vật chất chưa thuyết phục.
Bị cáo trình bày: “Trong vụ án này, nếu tôi bị tuyên 1 năm hay 10 năm cũng như nhau, bởi tôi không có tội. Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan, chống án tới cùng” và “trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi".
Trong phần thẩm vấn trước đó, bị cáo Phùng Anh Lê nhiều lần đặt câu hỏi với ông Bảy để chứng minh việc ông này là người cờ bạc, nợ nần nhiều, bản thân bị cáo từng phải giúp ông Bảy giải quyết việc bị chủ nợ đến tận nhà uy hiếp.
“Tôi nói những điều này ra để muốn nói ông Bảy là người khát tiền. Đến giờ này tôi không ân hận khi giúp đỡ gia đình ông Bảy, bố mẹ ông Bảy, nhưng ông dám làm thì dám chịu”, bị cáo Phùng Anh Lê trình bày.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, ngoài lời khai của ông Phùng Văn Bảy, CQĐT, VKS chưa có bất cứ lời khai nào khác chứng minh bị cáo Lê nhận tiền.
Luật sư đề nghị phía viện phải chứng minh bằng vật chất về vấn đề này.
Đối đáp lại, quan điểm trên của luật sự, đại diện VKS khẳng định, việc buộc tội bị cáo Phùng Anh Lê không chỉ dựa vào lời khai của ông Phùng Văn Bảy, mà còn dựa trên hệ thống chứng cứ có trong hồ sơ.
Cựu đại tá Phùng Anh Lê kêu oan và nói kêu oan đến lúc chết
Trong lời nói sau cùng của mình, cựu đại tá Phùng Anh Lê trình bày, bố bị cáo từng là công an, em gái bị cáo cũng là công an, gia đình 3 đời đều làm công an. Bản thân bị cáo có 37 năm công tác trong lực lượng công an, có 11 năm liền là chiến sỹ thi đua, 78 bằng khen các loại. Với sự nghiệp phấn đấu như vậy, bị cáo không bao giờ đánh đổi sự nghiệp để lấy số tiền 110 triệu đồng.
Nói sau cùng, cựu đại tá Phùng Anh Lê trình bày: “Đây là danh dự của cả tôi và gia đình, tôi là người có vị trí cao nhất họ, không bao giờ tôi đánh đổi để làm việc đó. Bản thân tôi luôn tu dưỡng, đặt vấn đề nguyên tắc lên hàng đầu. Viêc đại diện VKS truy tố tôi tội Nhận hối lộ, tôi khẳng định không có. Còn quy kết tôi chủ mưu trong việc tha người trái pháp luật cũng không đúng quy định của pháp luật. Tôi chỉ mong HĐXX tuyên một bản án cho anh Châu, Trung Ngọc không phạm tội tha người trái pháp luât”.
Bị cáo cho rằng, vụ án này là bài học nhưng không là tấm gương mà là “vết nhơ” trong ứng xử đồng đội với nhau... Bị cáo hy vọng tòa sẽ tuyên mình không phạm tội, và nếu có bản án, bị cáo Lê sẽ kêu oan, chống án đến cùng. “Tôi sẽ kêu oan đến lúc nào không kêu oan được nữa, thậm chí kêu oan đến lúc chết”, lời sau cùng của cựu đại tá Phùng Anh Lê.
Cựu đại tá Phùng Anh Lê xin lỗi với những người vì bị cáo mà vạ lây
Bị cáo Phùng Anh Lê trình bày: “Với 11 tháng 57 ngày, tôi chưa bao giờ đếm ngày như vậy, tôi bị thay đổi tội danh ngày rằm tháng 2, có quyết định xét xử sơ thẩm là ngày rằm tháng trước, nay đưa ra xét xử lại ngày xá tội phong nhân. Do vậy, nay trước tòa, tôi không bao giờ trách cứ người đã hại tôi. Tôi ở tòa chỉ cung cấp thêm thông tin để tòa hiểu thêm sự thật khách quan. Cuối cùng, cho dù tôi bị kết án, hoặc nếu tôi được minh oan, tuyên không có tội, đó là phúc nhà tôi”.
Trong lời nói sau cùng của mình, các bị cáo còn lại mong tòa xem xét toàn diện các chứng cứ, hành vi và lời khai tại tòa để có bản án thấu tình đạt lý.
Đến 21h40, HĐXX nghỉ làm việc, sẽ tuyên án vào 10h ngày 14/8.