Toàn cảnh điểm chuẩn đại học 2022: Hàng loạt ngành khối C00 chạm mốc gần 30 điểm, Y - Dược giảm nhiều nhất trong vòng 3 năm
Theo đánh giá của đại diện các trường đại học, điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng mạnh ở các nhóm ngành: Kinh tế, Công nghệ thông tin...
Từ ngày 15/9 - 17/9, sau nhiều lần lọc ảo thì các trường đại học đã công bố điểm chuẩn đại học năm 2022. Đúng như dự đoán, điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh ở nhiều ngành, nhóm ngành, chủ yếu do biến động về phổ điểm và chỉ tiêu.
Nhìn chung, đa số ngành học "hot", được ưa chuộng trong các năm qua vẫn có điểm chuẩn ở mức cao, còn những ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn thấp thì năm nay không có quá nhiều thay đổi, thậm chí còn giảm điểm.
Nhiều ngành xét tuyển tổ hợp C00: Tăng gần mức "chạm trần"
Điểm chuẩn xét tuyển bằng tổ hợp C00 năm nay tăng cao cũng đã được dự báo từ sớm do phổ điểm Lịch sử và Ngữ văn năm nay cao, đặc biệt ở môn Sử. Đỉnh phổ điểm khối C00 là 19,5-20 trong khi năm ngoái 17,5-18,5, số thí sinh đạt 26-27 điểm năm nay là hơn 9.200, trong khi năm ngoái chỉ gần 5.400. Điều này đẩy điểm chuẩn nhiều ngành lên mức gần tuyệt đối.
Tiêu biểu, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay có tới 3 ngành lấy điểm chuẩn 29,95 tổ hợp C00, gồm Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng. Ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Báo chí với 29,9, các ngành còn lại xét bằng tổ hợp này dao động 25,5-29.
Một số trường hợp khác có điểm chuẩn tổ hợp C00 cao như Luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội - 29,5; Học viện Biên phòng - 28,75, áp dụng với thí sinh nam miền Bắc; Trường Sĩ quan Chính trị - 28,5.
Khối ngành Sư phạm: Tăng mạnh
Tại 6 trường Sư phạm lớn của cả nước, mức điểm chuẩn cao nhất dao động nhẹ, hầu hết giữ nguyên hoặc tăng 0,95-2 điểm. Điểm chuẩn cao nhất Đại học Sư phạm Hà Nội năm ngoái là 28,53 thì năm nay là 28,5, cao nhất năm ngoái của Đại học Sư phạm - Đại học Huế là 24 thì năm nay là 26.
Xét theo ngành, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử ở một số trường "tăng vọt". Tại Đại học Quy Nhơn, ngành này năm ngoái thuộc nhóm có đầu vào thấp nhất trong các ngành đào tạo giáo viên với 19 điểm thì năm nay cao nhất với mức 28,5, tức tăng 9,5. Ở Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ngành Sư phạm Lịch sử năm ngoái lấy 19, thì năm nay lấy tới 25.
Thậm chí tại Đại học Hồng Đức, điểm chuẩn cho ngành Đại học Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Đại học Sư phạm Lịch sử chất lượng cao ở mức cao "không tưởng", đó là 39,92 điểm (tính theo thang điểm 40).
Ngành Đại học Sư phạm Toán học chất lượng cao của trường đứng tiếp theo với 35,43 điểm (thang điểm 40). Ngoài ra, Đại học Sư phạm Lịch sử với 29,75 điểm (thang điểm 30) cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển cao của Trường Đại học Hồng Đức.
Khối ngành Kinh tế: Biến động nhẹ
Còn với khối ngành Kinh tế, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27-28, nên năm nay biến động tăng giảm không lớn, đa số 0,5-1 điểm.
Nếu so sánh ngưỡng điểm chuẩn cao nhất của năm 2021 và 2022, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân tăng 0,3-0,5, còn Ngoại thương (thang điểm 30) và Thương mại giảm 0,15-0,75. Trong khi đó, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng 0,7 ở mức điểm thấp nhất nhưng giảm 0,9 tại ngưỡng cao nhất.
Số ít trường có biến động điểm chuẩn mạnh là trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hai ngành Kinh doanh nông nghiệp, Kế toán (chương trình tài năng) tại trụ sở chính cùng lấy điểm chuẩn 22 vào năm ngoái thì năm nay tăng lên 25,8 và 27,5, tức chênh tới 5,5 điểm. Kiểm toán - ngành lấy 27,8, cao nhất năm nay - cũng tăng 1,7 điểm so với năm ngoái.
Khối ngành Công an: Không còn "cao vút"
Đây là năm đầu tiên 8 trường khối công an tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh Công an nhân dân. Điểm bài thi đánh giá chiếm 60% và tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT chiếm 40%, được quy đổi về thang 30. Do cách tính mới, cả 8 trường đều giảm điểm chuẩn, dao động khoảng 3-7 điểm tùy ngành và tổ hợp.
Điểm chuẩn cao nhất được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc, dự thi ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Học viện Chính trị Công an nhân dân) tại tổ hợp C00 với 26,26 điểm. Năm ngoái, ngưỡng điểm cao nhất là 30,34.
Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.
Khối ngành Y tế: Giảm so với năm ngoái
Dù vẫn thuộc nhóm có điểm chuẩn cao năm nay nhưng điểm trúng tuyển vào nhóm ngành Y Dược giảm so với năm ngoái. Như với Đại học Y Hà Nội, điểm trúng tuyển 23,2-28,85 vào năm ngoái thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hóa giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.
Tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm ngoái dao động 21,35-27,35, năm nay xuống còn 18,1-26,65. Ngành Dinh dưỡng và Điều dưỡng giảm mạnh nhất, từ 4,25 đến 5,7 tùy ngành và đối tượng thí sinh.
Tổng hợp